Trên đất nước hoa Chămpa

10:07, 29/07/2013
.

(QNg)- Ai đã một lần được đặt chân trên đất nước Lào, hẳn sẽ không thể quên được hình ảnh thân thiện của con người nơi đây. Đất nước Lào xinh đẹp và bình yên đủ sức hấp dẫn để níu chân du khách.

TIN LIÊN QUAN


Chuyến đi Lào cùng với Đoàn thanh niên tình nguyện Quốc tế tỉnh Quảng Ngãi vào những ngày đầu tháng 7 vừa qua, giúp tôi có nhiều trải nghiệm thú vị về đất và người xứ sở Triệu Voi.

Xứ sở hiền hòa

Đất nước Lào vẫn còn khó khăn. Nhưng người dân Lào luôn thân thiện và dễ mến. Trên từng cung đường, đâu đâu cũng thấy sự trật tự và sạch sẽ. Người dân biết nhường nhau cả khi đi đường, vội ở đâu chứ ở Lào, ra đường không ai được vội vàng chen lấn, tranh giành. Người dân Lào chẳng bao giờ phải dùng đến còi xe, bởi họ quan niệm, cử chỉ bấm còi không chỉ làm ồn ào huyên náo đường phố mà còn mang ý nghĩa xua đuổi, tranh giành. Trong những ngày ở trên đất Lào, dọc theo các tuyến quốc lộ hay các đại lộ ở đô thị lớn, tôi thấy rất ít trạm kiểm soát của cảnh sát giao thông. Cũng đôi ba lần chiếc xe chở đoàn bị dừng lại vì vi phạm lỗi, nhưng thay cho những cử chỉ khó chịu là nụ cười hiền hòa của các cảnh sát giao thông.

 

Biểu tượng của nước Lào - chùa That Luang.
Biểu tượng của nước Lào - chùa That Luang.


Trong cái sắc vàng lặng im của đất nước Lào, có một màu hoa làm tôi ấn tượng mãi. Đó là hoa Chămpa. Loài hoa có màu vàng chanh sang trọng và kiều diễm, mà người Việt gọi là hoa sứ. Anh Noy, người phiên dịch duy nhất của Đoàn chúng tôi, cho biết, người dân Lào đi lễ chùa đầu năm mới luôn hái những chùm hoa Chămpa thả vào chậu nước thơm để tắm Phật, dùng chùm hoa này nhúng vào nước thơm ban cho mọi người cùng hưởng phước lộc. Người Lào yêu hoa còn đặt tên loài hoa này là “bông hoa phước” hay “bông phúc”.

Không chỉ trong đời sống văn hóa, ngay cả trong các hoạt động giao lưu thương mại ở đây cũng diễn ra trong không khí khá nhẹ nhàng. Không chèo kéo, mồi chài mời mọc khách hàng, lại càng ít nói thách giá. Dường như đó là một tính cách rất đáng yêu của người Lào, tạo cho du khách một cảm giác thoải mái.

Khi hoàng hôn lặng dần xuống dòng sông Mê Kông nghĩa là một ngày đã kết thúc. Từng đám khói bốc lên từ bếp than của các gia đình đang nấu bữa cơm chiều lan qua những tán lá cây. Những chú gà trống choai không có khái niệm về thời gian phải về chuồng, những con quạ bay ngang đường lúc chạng vạng tối. Sự thanh bình luôn hiển hiện trên đất nước Lào hiền hòa, xinh đẹp.

Những công trình đượm màu thời gian

Thủ đô Viêng Chăn là trung tâm chính trị- kinh tế- xã hội lớn nhất nước Lào. Thế nhưng, biểu tượng của nước Lào không phải là những tòa nhà hiện đại, những con đường điện sáng lung linh. Hình ảnh đại diện cho đất nước Lào, nằm giữa Viêng Chăn sầm uất, là ngôi chùa vàng That Luang. Ngôi chùa như một nậm rượu trên phế tích của một ngôi đền Ấn Độ thế kỷ thứ 13. Bên ngoài được dát vàng. Truyền thuyết trong tháp có lưu giữ xá lợi của Đức Phật, là một sợi tóc và rất nhiều châu báu. Chùa That Luang có tháp chính cao 45m bao quanh là các tháp phụ sơn son thiếp vàng rực rỡ trang nghiêm.

Khách du lịch đến với That Luang không nhiều, nhưng qua dáng điệu của họ, có thể đoán đa phần là những người ưa thích sưu tầm những nét đặc trưng trong văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc Lào. Chẳng thế, trên tay họ không máy ảnh, máy quay phim thì cũng tập vở và viết. Mọi cảnh trí trong chùa được chăm chút cẩn thận, sạch sẽ, không hề lấm bụi bặm. Ngoài vườn, cây cối xanh tươi, hoa nở khắp nơi nên ai cũng cảm thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng. Tiếp đó, chúng tôi ghé thăm ngôi chùa cổ nhất Viêng Chăn (xây dựng từ năm 1818), cũng là nơi lưu giữ tượng Phật nhiều nhất- Vat Sisaket. Trong một thế giới tượng Phật khoảng bảy ngàn mẫu vật, du khách như bị thôi miên nhưng khó ai có thể ghi nhận và hiểu được đầy đủ những nét đặc sắc trong nghệ thuật tạo hình và điêu khắc của dân tộc Lào chỉ trong một buổi thăm viếng.

Ở thủ đô Viêng Chăn còn một biểu tượng không thể không nhắc đến, đó là khải hoàn môn Patuxay. Công trình được xây vào thập niên 1960 này có những nét kiến trúc rất riêng của dân tộc Lào, thể hiện qua những đường nét, hoa văn trang trí uốn lượn thật công phu, đẹp mắt.

Nghĩa tình bền chặt

Trong những ngày công tác ở nước bạn Lào, chúng tôi luôn nhận được sự đón tiếp rất trọng thị và chân thành. Ngày đến Khăm Muộn, một tỉnh thuộc miền Trung nước Lào, đúng vào ngày chủ nhật nhưng lãnh đạo tỉnh Khăm Muộn đã dành cho đoàn những sự bất ngờ hạnh phúc. Cách xa tỉnh lỵ Thakhek hơn 60km là xe dẫn đường hướng dẫn đoàn đi vào Khăm Muộn. Hình ảnh đón chờ của lãnh đạo tỉnh Khăm Muộn khiến thành viên trong đoàn, ai cũng xúc động. Càng bồi hồi khi chúng tôi được biết, ở Khăm Muộn có khu tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng rất khang trang. Nơi đây Bác Hồ đã từng ở và hoạt động một thời gian. Đặc biệt, khu tưởng niệm cũng có một ao cá lớn là ao cá Bác Hồ. Bà con Việt kiều và bạn Lào đã tổ chức một đoàn rước cá từ chính ao cá Bác Hồ ở Hà Nội về thả nuôi ở đây.

Đêm giao lưu hữu nghị, tiếng hát chứa chan ân tình của thanh niên hai tỉnh lần lượt vang lên. Thật tuyệt làm sao khi hai bạn thanh niên Lào, một nam, một nữ, tiến lên sân khấu và cất cao câu hát bằng tiếng Việt bài hát Sợi nhớ sợi thương: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên nắng đốt bên mưa quây, em dang tay em xòe tay, chẳng thể nào xua tan mây, chẳng thể nào che anh được…”. Bài hát như nhắc nhớ quá khứ hào hùng của hai dân tộc. Việt Nam- Lào đã cùng tựa nhau vào dãy Trường Sơn để đánh thắng giặc ngoại xâm. Hôm nay, hai nước, hai tỉnh Khăm Muộn và Quảng Ngãi cũng đang tựa vào nhau, cùng nâng đỡ nhau để tiến bước. Kết thúc buổi giao lưu, bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” được thanh niên hai tỉnh hòa lời hát vang để khẳng định một lần nữa tình cảm Việt- Lào đời đời bền vững.

Ngày chia tay đất nước Lào, đoàn chúng tôi được các bạn tỉnh Khăm Muộn đưa đến tận cửa khẩu Cha lo (Quảng Bình). Ai cũng quyến luyến như muốn kéo dài thời gian bên nhau. Tình cảm không cần ngôn ngữ, qua ánh mắt đã thấy được sự khắng khít, gắn bó keo sơn. Đây là tình cảm tôi không thể quên trong đời mình. Có một Khăm Muộn gần gũi như dòng sông Mê kông vẫn chảy bên lòng. Khăm Muộn đêm nay lại hiện về trong nỗi nhớ...

 

                           N.TRIỀU
 


.