Nâng tầm điện ảnh Việt: Chặng đường nhiều chông gai

02:07, 03/07/2013
.

Mục tiêu của Điện ảnh Việt Nam là đến năm 2020 phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á và đến năm 2030 phát triển điện ảnh Việt Nam trở thành một trong những nền điện ảnh mạnh ở châu Á. Tuy nhiên đây là chiến lược dài hơi nhưng tính khả thi vẫn là câu hỏi lớn.

 

Cảnh trong phim Cánh đồng hoang, tác phẩm điện ảnh kinh điển về đề tài chiến tranh
Cảnh trong phim Cánh đồng hoang, tác phẩm điện ảnh kinh điển về đề tài chiến tranh



Chiến lược mang tầm vĩ mô

Trình bày về  Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: Ý tưởng phải quy hoạch ngành điện ảnh thực chất đã bắt đầu từ năm 1993, bản dự thảo đầu tiên ra đời năm 1995 nhưng chưa thành công. Đến năm 2011 phương án quy hoạch lần thứ hai được trình cũng chưa được chấp nhận và Cục Điện ảnh đã khởi động lại việc xây dựng Dự thảo này từ quý 2/2012, với sự tư vấn của PGS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN.

Nội dung của chiến lược tập trung vào các vấn đề lớn như: Sáng tác, sản xuất, phát hành phổ biến phim, phát triển trên cơ sở kỹ thuật và công nghệ song song với việc phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế. Trong đó phát triển trên cơ sở kỹ thuật và công nghệ chính là một trong những vấn đề then chốt để khắc phục những hạn chế về mặt công nghệ để chuẩn hóa theo tiêu chuẩn công nghệ quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% số phim sản xuất bằng công nghệ hiện đại để chiếu ở rạp và 70% số phòng chiếu phim được đầu tư lắp đặt kỹ thuật số. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% số  phim sản xuất bằng công nghệ số hiện đại chiếu ở rạp và 100% số phòng chiếu phim được lắp đặt kỹ thuật số… Các nhóm giải pháp mà Chiến lược phát triển điện ảnh đưa ra bao gồm cả về công tác quản lý, cơ chế chính sách, đội ngũ nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở kỹ thuật…

Trong đó việc củng cố đội ngũ, phát hiện tài năng, phát triển nguồn nhân lực được đặc biệt quan tâm trong khâu nâng cấp đào tạo chính quy tại các trường đại học sân khấu điện ảnh tại Hà Nội và TP HCM theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.

Với chiến lược này điện ảnh Việt còn tham vọng trong hoạt động hợp tác quốc tế đó là đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành điểm thu hút của các nhà điện ảnh thế giới vào làm phim và sử dụng các dịch vụ điện ảnh Việt Nam.

Nên lựa cơm gắp mắm

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, đánh giá: Nếu chiểu theo mục tiêu phát triển được đưa ra tại Dự thảo này, chúng ta chỉ còn 7 năm nữa để ngành điện ảnh đứng đầu khu vực Đông Nam Á - hẳn là việc không tưởng. Căn cứ vào mặt bằng điện ảnh các nước trong khu vực, và thực trạng điện ảnh nước nhà hiện nay, 7 năm nữa, khi Việt Nam đuổi kịp các cường quốc điện ảnh châu Á - có nghĩa là đuổi kip họ ở thời điểm này - cũng đồng nghĩa với việc trong 7 năm ấy, họ đã vượt xa mình nhiều lắm rồi. Vì vậy, việc soạn thảo đề án này phải căn cứ vào thực tế, mục tiêu đặt ra cho việc phát triển ngành điện ảnh có tính khả thi.

Theo bà, trước mắt mục tiêu đặt ra là làm sao phải chiếm lĩnh được thị trường trong nước, điện ảnh nội phải không được thua trên sân nhà. Sau đó, những mục tiêu dài hơi hơn là phải giành được những giải thưởng ở những liên hoan phim khu vực, quốc tế, ở những giải thưởng điện ảnh danh giá. Xa hơn nữa, tiến tới phải xuất khẩu phim. Chính vì vậy, bà Ngát mong muốn góp ý của mình về dự thảo với mục tiêu phấn đấu là: “Đến năm 2020, điện ảnh Việt Nam xây dựng được một nền điện ảnh dân tộc, hiện đại có vị thế được thừa nhận tại châu Á”.

Bên thềm hội thảo, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng bày tỏ quan điểm của mình: Phải bắt đầu ngay từ quan niệm. Cần xóa bỏ ngay quan niệm điện ảnh nhà nước và tư nhân, mà chỉ có một nền điện ảnh chung là nền điện ảnh Việt Nam. Khi những hãng phim Nhà nước đã cổ phần hóa, thì các mục tiêu khác do thị trường quyết định. Nếu còn tư duy quản lý là còn bao cấp.

Vì vậy về phía đào tạo, nên xây dựng những cơ sở, trung tâm hỗ trợ nghệ thuật điện ảnh như hình thức Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh của Hội Điện ảnh VN, vừa hỗ trợ các bạn trẻ làm phim ngắn, vừa đào tạo nhân tài. Phải có chiến lược đưa nghệ thuật nghe nhìn vào giáo dục trong trường học, như các môn hội họa, âm nhạc, để sau này các em nếu không làm phim, cũng có thể trở thành những khán giả thông thái xem phim.

Ước muốn về một nền điện ảnh Việt Nam hiện đại, theo kịp thế giới luôn là động lực để chúng ta vươn tới. Nhưng việc cụ thể chiến lược dài hơi bằng những bước đi chắc chắn sẽ đem đến những khởi sắc thực tế hơn cho nền điện ảnh nước nhà.
 

Thống kê từ Cục Điện ảnh cho thấy trong mấy năm gần đây tỉ lệ phim Việt so với phim nước ngoài là 13,38%. Tại hệ thống rạp Nhà nước quản lý, số buổi chiếu phim Việt chiếm 31,6%, số người xem phim Việt chiếm 40%. Nhưng tỉ lệ phim Việt ở hệ thống rạp do tư nhân quản lý chỉ chiếm 34%, và có đến 70% khán giả lựa chọn phim nước ngoài. Phân loại khán giả cũng cho thấy người trên 70 tuổi ở VN gần như không đến rạp và có 61% khán giả nam, con số khá áp đảo so với tỉ lệ 39% khán giả nữ!

 

Theo Thu Trà (GD&TĐ)


.