Tác nghiệp ở Trường Sa

08:06, 20/06/2013
.

*TRẦN ĐĂNG


(QNĐT)- Trong đời làm báo, có lẽ nhà báo nào cũng một lần mơ ước được đặt chân lên Trường Sa. Tôi cũng vậy. Và còn may mắn hơn là đã đặt chân lên 17 hòn đảo trong tổng số 21 đảo do Việt Nam kiểm soát.


Nói “may mắn” là có ý “khoe” một chút cho có vẻ máu me nghề nghiệp chứ thật tình, đi Trường Sa mà đến 25 ngày như tôi đi vào tháng 5 vừa qua thì, nếu cần một lời khuyên với các đồng nghiệp, xin được nói ngay: Không nên đi dài ngày như vậy! Vì sao, tôi sẽ nói ở cuối bài này.

 

Với đồng hương Quảng Ngãi trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: T.Đ
Với đồng hương Quảng Ngãi trên đảo Trường Sa Đông. Ảnh: T.Đ


Hồi ở quê nhà Quảng Ngãi, hễ mỗi lần đi Lý Sơn là người tôi đâm lo. Lần nào mà “đối thoại với biển” (mửa) bị nhiều là tôi tự hứa với lòng mình là chẳng bao giờ “thèm” cái đảo Lý Sơn ấy nữa. Ấy thế mà hễ Lý Sơn có sự vụ gì là chân lại cứ muốn đi. Tàu chạy 1 tiếng là tới nơi, ấy thế mà cũng ngại ngần. Nghe nói đi Trường Sa tới 2 ngày 2 đêm mới đặt chân lên hòn đảo đầu tiên, nỗi lo tăng lên gấp... 48 lần (bằng 2 ngày 2 đêm).

“Đối thoại với biển” mà từng ấy thời gian, e chết chứ nói gì đến tác nghiệp với tác nghề! Nhưng làm báo mà không đặt chân lên được Trường Sa thì nói làm gì? Nghĩ vậy nên tôi quyết định đi.

Trước khi đi, tôi cũng chịu khó tham khảo nhiều lời khuyên của các đồng nghiệp từng đi Trường Sa. Họ bảo có gì mà phải lo lắng? Lên tàu, ngày ba bữa đủ đầy, lại có bia (1 lon 333) cho mỗi bữa ăn nữa. Tàu như khách sạn, có máy lạnh đình huỳnh, tắm táp, giặt giũ thoải mái. Tối lại có màn câu cá của lính, thú vị lắm. Đi lâu nhất cũng chỉ 12 ngày là cùng... Hỏi cả 3 nhà báo từng đi Trường Sa, cả 3 đều nói vậy, tôi yên tâm lên đường, không chuẩn bị gì ngoài mấy viên thuốc chống nôn và một vài đồ cùng cá nhân cùng đồ nghề phục vụ cho công việc.

Hóa ra nói vậy mà không phải vậy. Mấy đồng nghiệp đi có 12 ngày, lại bia bọt tinh tươm là đi theo tiêu chuẩn của khách mời, còn tôi đi là “ăn chạc” tàu chở quân và cấp nước ngọt cho các đảo nên làm gì có chuyện đi trong 12 ngày! Trên tàu có 20 vị, được khoác cho cái tên rất kêu là “nhà khoa học”. Họ là những giáo sư, tiến sĩ ở các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước, được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Khánh Hòa “mời về” để nghiên cứu, tìm giải pháp cho Trường Sa trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là rau xanh và nước uống. Đúng là nghe “thành phần tham dự” và “kế hoạch nghiên cứu” trên đây, bất cứ một nhà báo nào cũng muốn lên đường!

Nhưng lên tàu rồi mới biết. Tàu vừa rời Cam Ranh vài tiếng, các vị giáo sư tiến sĩ nọ mới biết đây là tàu chở nước ngọt và giao quân cho các đảo nên đi ít nhất cũng phải... 25 ngày. Lỡ leo... lưng tàu rồi, nghiến răng mà chịu trận thôi. Tàu rề rà hết đảo này đến đảo khác, vừa chuyển quân vừa cấp nước ngọt. Lúc đầu thì còn háo hức chụp ảnh quay phim, qua ngày thứ 10 rồi, nhìn cá heo lượn hàng đàn, cả mấy trăm con, chạy đua theo tàu cũng mặc.

Buổi tối, lính trên tàu câu những con cá to 40-50 kg cũng mặc, chả bù với hôm mới ra, tàu cập ngoài khơi Song Tử Tây, thấy lính câu được mấy con cá lẹp cũng bu vào chụp ảnh quay phim búa xua!

Tôi nhắc lại cái cảm giác mệt mỏi ấy để những đồng nghiệp nào có ý định đi Trường Sa thì nên chọn “tàu khách” mà đi chứ bám theo tàu chở quân hoặc chở nước ngọt như tôi thì chẳng khác nào bị giam lỏng trên tàu, mất hết cái háo hức của một chuyến đi xa.

Vậy mấy chục ngày ngang dọc Trường Sa thì tác nghiệp những gì? Sau một tuần ê ẩm với cảnh rề rà cấp nước và giao quân, ghẻ ngứa bắt đầu xuất hiện trên người, tôi nói với bà trưởng đoàn: “Cô cho tôi lên một đảo thôi, chỉ duy nhất hòn đảo ấy, là thỏa nguyện của tôi rồi. Ghẻ ngứa thế này, tôi chả dám đi đảo nào nữa đâu”.

Bà trưởng đoàn hỏi: “Anh muốn đảo nào?”. Tôi nói liền: “Cô Lin!”. Bà ấy giãy nảy: “Không được anh ơi. Đảo đó mấy ông ở Vùng 4 có nói rằng mình chỉ cấp nước ngọt thôi, các nhà báo không được lên đảo!”.

Tôi buồn xo và tìm kế khác. Phải thua đủ với hòn đảo này thôi chứ ra Trường Sa mà không lên Cô Lin để nhìn về Gạc Ma, nơi 64 anh em mình ngã xuống 25 năm năm trước thì người bứt rứt lắm. Tôi nghiêm giọng: “Cô nè, tôi bây giờ không phải là nhà báo nữa rồi. Tôi là nhà văn! Mà cô biết rồi đó, trên tàu này, trừ 300 lính ra, có đến gần 20 vị giáo sư tiến sĩ, 7 nhà báo nhưng nhà văn thì chỉ có mình tôi thôi đấy. Tôi mà không bám theo tàu chở nước để lên được Cô Lin, tôi sẽ về viết cả một cuốn sách để… bôi bác cô đấy!”.

 

Bà trưởng đoàn biết tính tôi hay cà rỡn nhưng bữa nay thấy mặt tôi quá nghiêm trang, bèn hỏi anh phóng viên Tiền Phong: “Anh Trần Đăng nói vậy mà có đúng vậy không, Quân ơi?”. Quân cũng nghiêm giọng: “Đúng đấy chị! Anh ấy tên Phạm Đương, nhà thơ đấy, không tin chị tra gúc-gồ (google) thấy liền. Nên cho anh ấy lên Cô Lin, nếu không cho ổng lên, phiền lắm.

Đình Quân là chỗ thân tình với bà trưởng đoàn, lại đi Trường Sa lần này là lần thứ… 5 nên bà ấy tin Quân. Lại nghe Quân dọa đưa bà ấy vô tiểu thuyết để bôi bác nữa nên sợ lắm. Thấy bà ta có vẻ xiêu lòng, tôi cười thầm trong bụng: hóa ra cái danh nhà văn ấy cũng có giá khi ra Trường Sa.

Sau một hồi bàn luận với vị trưởng tàu, bà trưởng đoàn rỉ tai tôi: “Tôi nói với trưởng tàu rồi, đồng ý để anh lên Cô Lin nhưng không được ở lại đảo. Chỉ mình anh thôi, ưu tiên cho nhà văn đấy!”. Tôi cố nín chứ không thì cười xòa ra khi nghe sự “ưu ái” ấy. Tôi lên Cô Lin, lấy ống nhòm nhìn về Gạc Ma. Tôi như thấy trước  mắt mình 64 gương mặt trẻ trai ngày nào vẫn thấp thoáng giữa biển xanh và sóng trắng.

Nếu tính về năng suất làm nghề báo thì chuyến đi Trường Sa của tôi “thất bại hoàn toàn”. Nhưng với tôi, chưa lần nào mà tôi “tác nghiệp” lại hiệu quả như chuyến đi ấy. Tôi đã nhìn thấy đảo đá Gạc Ma, bấy nhiêu đó là đủ cho một chuyến đi dài. Còn “hiệu quả” thế nào, xin hẹn một dịp khác./.

 


.