Nghề báo

10:06, 21/06/2013
.

(QNg)-  "Đi để biết, biết để chia sẻ" là đúc kết của anh chị em phóng viên (PV) khi nói về nghề báo. Họ không chỉ xông pha vào những “điểm nóng” của xã hội mà còn biết rung động trước những mảnh đời nghèo khó...

TIN LIÊN QUAN


 * Hướng về người nghèo…

Với anh em PV trẻ của Báo Quảng Ngãi, trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, công tác từ thiện xã hội cũng luôn đồng hành với họ trong mỗi chuyến công tác. Những món quà được chuyển đến đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa; những hoàn cảnh gặp hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống mà có sự tham gia của PV luôn để lại những ấn tượng đẹp, dù đó là trực tiếp hay gián tiếp quyên góp. Tổng số tiền, quà được trao cho người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn,... trong thời gian qua trị giá hàng trăm triệu đồng.

 

Phóng viên tác nghiệp tại xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh).
Phóng viên tác nghiệp tại xã Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh).

 

Nhiều người, dù đã đi qua hơn nửa cuộc đời nhưng chuyện nhà cửa đối với họ vẫn là giấc mơ xa vời. Vì vậy khi nhận được căn nhà do Báo Quảng Ngãi phối hợp với một đơn vị hỗ trợ xây dựng trao tặng, ông Trần Hùng Cường ở xã Hành Phước (Nghĩa Hành) vô cùng cảm động: "Tấm lòng của cán bộ, phóng viên Báo Quảng Ngãi và đơn vị tài trợ vợ chồng tôi không thể nào quên được. Vợ chồng đều là thương binh, bao năm quanh quẩn với ruộng đồng, nhưng vẫn không sao làm được ngôi nhà như thế này".

Anh Phạm Danh - Bí thư đoàn thanh niên cơ quan- nơi kết nối các nhà hảo tâm với người nghèo, chia sẻ: "Số tiền tuy không lớn nhưng đấy là cả tấm lòng và trách nhiệm của người cầm bút. Anh em PV trẻ coi hoạt động này là dịp để soi lại mình, sống và làm những việc có ý nghĩa hơn ". Có lẽ vì thế mà mỗi lần phát động phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, anh em PV trẻ đều nhiệt tình tham gia. Với PV Nguyễn Triều, chuyến hành trình về với đồng bào nghèo xã vùng cao Ba Nam (Ba Tơ) trong dịp Tết vừa rồi không thể nào quên được. "Thời điểm ấy trời mưa nên đường vào xã Ba Nam dù chỉ hơn chục cây số nhưng đoàn mất gần cả buổi đi đường mới đến nơi. Anh em PV cùng các thành viên trong đoàn công tác từ thiện thấm mệt, nhưng nhìn bà con đồng bào đến từ rất sớm để được nhận món quà Tết khiến chúng tôi rất vui"- PV Nguyễn Triều kể.

Các PV thường trú trên địa bàn tỉnh của một số tờ báo lớn như Thanh Niên, Tuổi trẻ, Lao động,... cũng tham gia công tác từ thiện xã hội rất mạnh, với số tiền giúp đỡ người dân cả tỷ đồng mỗi năm. “Quê mình còn nghèo lắm, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa và hải đảo, nên có cơ hội vận động là tôi không bỏ qua. Mình có tiếng nói mà người dân mình nhờ thì tại sao không nói chứ!", PV Hiển Cừ thường trú của Báo Thanh Niên tại Quảng Ngãi, tâm sự.

* Những kỷ niệm khó quên

Cũng như bao anh em PV trẻ, với PV Thanh Nhị- Báo Quảng Ngãi, lần đầu tiên nhận lệnh ra đảo Lý Sơn công tác cũng có cảm giác háo hức, lo âu đan xen lẫn lộn. Theo kế hoạch, khi tàu cập cảng, chị bạn làm ở Đài truyền thanh huyện sẽ đón và cho mượn chiếc xe máy để có phương tiện đi lại trong những ngày ở đảo. Nhưng kế hoạch ấy đã kịp thay đổi khi trên chuyến tàu cao tốc vượt biển Thanh Nhị đã “bắt” được một đoàn công tác ra đảo Bé thực hiện chương trình “Hành trình vì biển đảo quê hương” nên quyết định bám đoàn đi đảo Bé…

Hôm ấy đang là mùa hè, đảo Bé không điện, nắng nóng như đứng bên đống lửa. Đoàn công tác ở lại đảo Bé một đêm, sáng sớm hôm sau mới lên tàu trở về đảo Lớn. "Vừa nghe đoàn công tác quyết định một đêm với đảo, một người đàn ông trung niên ở đây đưa con đi nhận học bổng của đoàn trao tặng ghé vào tai tôi nói nhỏ: Tối nay mời cô về nhà tôi tắm! Chỉ mình cô thôi nhé!” Tôi tỏ rõ thái độ không hài lòng về câu nói ấy. Tôi móc điện thoại điện cho anh bạn là bộ đội đóng quân bên đảo Lớn, anh cười tôi và bảo rằng: Ở đảo Bé, nước ngọt quý hơn vàng. Có quý lắm họ mới mời em về tắm. Tôi hiểu ra và hạnh phúc đón nhận lời mời"- PV Thanh Nhị kể.

Còn PV trẻ Kim Ngân thì phải bật khóc khi mới vào nghề mà phải nhận lệnh tác nghiệp ở vùng tâm bão và rốn lũ Bình Mỹ (Bình Sơn) tháng 11/2009. Mặc cho mưa gió bão bùng, Kim Ngân vẫn tự nhủ với lòng là phải đến bằng được với người dân nơi đây. Nhưng hỡi ôi, đi được nửa chặng đường thì chiếc xe máy của Kim Ngân dường như bị chìm trong bùn, lầy. Còn bộ dạng của Ngân chẳng khác gì người vừa mới làm đồng lên. "Đang lúc nản chí có ý định quay về thì được một người đi đường giúp nên cuối cùng tôi cũng đến được trụ sở UBND xã Bình Mỹ. Khi đưa máy ảnh chụp hình trao quà, nhiều người nhìn tôi cười, nhưng tôi vẫn cố làm mặt lạnh. Nhưng vui nhất của một phóng viên mới vào nghề như tôi là bản tin ấy đã được đăng và nhuận bút 50 ngàn đồng"- Kim Ngân, nhớ lại.

Nghề báo là thế đấy, vất vả nhưng vui và hạnh phúc, vì được sống, được hoà chung niềm vui, nỗi buồn của người dân.


Bài, ảnh: Nhóm PV


.