Đọc tập thơ "Về Tổ" của Nguyễn Thế Kỷ

04:05, 05/05/2013
.

*Thanh Thảo


(QNĐT)- Năm nay đã ngót 80 tuổi, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ-người con Quảng Ngãi-vẫn đăm đắm với Hoàng Sa-Trường Sa-Lý Sơn quê nhà. Ông viết kịch bản phim, viết kịch bản sân khấu, nhưng cảm thấy vẫn chưa đủ, ông lại làm thơ về những bãi san hô cát vàng mê hoặc mà tổ tiên đã lênh đênh con thuyền ra cắm chốt khẳng định chủ quyền.

Yêu Tổ quốc là tình yêu không lụy tuổi. Trẻ lên 6 lên 10 đã yêu. Người 80, 90, 100 tuổi càng yêu hơn. Gừng càng già càng… cay, tình yêu Tổ quốc càng say càng nồng.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ bằng cả tập thơ của mình, bằng cả tấm lòng minh, cũng đã hô vang lên như vậy. Đó là điều khiến tôi yêu quý ông. Ai rồi cũng tới lúc trở về với tổ tiên ông bà mình. Nhưng còn một giây phút sống, là còn yêu Tổ quốc, là còn hiến dâng tất cả cuộc đời mình cho Tổ quốc. Với người Việt Nam mình, Tổ quốc là cái gì thăm thẳm:
                         

                            “ Tổ quốc cao đến tận cùng cao của núi
                             Tổ quốc sâu lòng biển chẳng sâu bằng”

                                                                     (Tổ quốc Việt Nam)


Vì thế, mỗi khi cầm bút viết về Tổ quốc, dẫu là các em bé thơ đang ngồi trong lớp học hay người già đã bôn ba vật lộn mưu sinh cả đời, thì Tổ quốc vẫn hiện lên uy nghi và cảm động:
                          
                             “Hoàng Sa và Trường Sa
                              Viết qua bao thế hệ
                              Là trang bi hùng sử
                              Viết bằng cả máu xương
                              Là sách chẳng từ chương
                              Viết theo hồn Dân tộc

                            
Đã viết về Tổ quốc
                            Thì giấy là tờ mây
                            Mực mài cả biển đầy
                            Giấy lật hoài không nản
                            Mực chấm hoài chẳng cạn…”

                                         (Giờ tập viết)  
Không chỉ các cháu tập viết về tình yêu Tổ quốc đâu, cả người lớn tuổi, cả người già vẫn cần “tập viết”, “tập nghĩ” về Tổ quốc mình với tất cả tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm. Nhất là trước những thách thức đầy cam go hôm nay mà Tổ quốc chúng ta phải đối mặt.

Không chỉ người Việt trong nước, mà người Việt đang sống ở nước ngoài cũng đau đáu về Hoàng Sa Trường Sa, đau đáu về Tổ quốc. Có một Việt kiều quê Đà Nẵng đã sưu tập hàng trăm tấm bản đồ cổ ghi tên Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam để gửi về quê hương Đà Nẵng-nơi có huyện đảo Hoàng Sa. Nguyễn Thế Kỷ xúc động về nghĩa cử yêu nước này, đã viết:
                                 

                                    “Một tấm bản đồ-cả biển Đông!
                                    Chín vàng mười ngọc khó mà đong
                                    Dẫu xa… xa mấy tình không cách
                                    Nỗi nhớ Hoàng Sa trĩu nặng lòng

                                    Việt kiều Đà Nẵng bên trời Mỹ
                                    Nghĩ tới Hoàng Sa nước mắt đầm
                                    Trăm tấm bản đồ ngàn đích chỉ
                                     Hoàng Sa là lãnh thổ Việt Nam!”     
 
                                                               (Trăm tấm bản đồ)

Càng yêu thương Hoàng Sa, càng thấy Lý Sơn đảo quê mình tuyệt đẹp. Nguyễn Thế Kỷ có những câu thơ về Lý Sơn xứng đáng thể hiện trên những pa-nô quảng bá cho du lịch Lý Sơn:

                                     “Một vòm miệng lửa mấy kỳ thiêng
                                      Gió phun suối nước lên triền núi
                                      Tóc chải trắng dài xuống giếng Tiên”

                                                               (Núi Lý Sơn)

Viết nguyên một tập thơ về Lý Sơn-Hoàng Sa-Trường Sa, ngoài lòng nhiệt thành, còn cần rất nhiều yếu tố khác, trong đó sự am hiểu cặn kẽ về những hòn đảo và quần đảo này là điều kiện bắt buộc. Nguyễn Thế Kỷ đã có những bài thơ trong tập này viết về truyền thuyết đảo Lý Sơn, về những đội hùng binh Hoàng Sa ngày xưa, về những đảo chìm, đảo nổi trên quần đảo Trường Sa hôm nay đã từng nhuộm máu những chiến sĩ quyết tử Việt Nam. Ngần ấy những chuyện, những người thấm đẫm yêu thương tự hào và đau xót. Nhưng không hề yếu lòng, không hề bạc nhược. Đó là điều tôi đánh giá cao nhất ở tập thơ này.

Thơ không chỉ đánh thức, thơ còn phải dựng thẳng những hồn người trước phong ba, còn phải là những lời huyết thề từ tâm khảm mỗi con người khi Tổ quốc kêu gọi mình.

Tôi để ý, từ vài năm trở lại đây số khách du lịch tự phát tới đảo Lý Sơn-trong đó đa số là những người trẻ tăng lên đột biến. Họ không tới đảo Lý Sơn để an hưởng cảnh thần tiên trong những khách sạn 4, 5 sao (vì làm gì có những tiện nghi ấy ở Lý Sơn bây giờ). Họ tới thăm Lý Sơn vì tình yêu Tổ quốc. Họ “du lịch yêu nước”, bởi họ muốn một lần được tận mắt chiêm ngưỡng hòn đảo là nơi phát xuất những đội “Hùng binh Hoàng Sa”, là nơi còn hàng trăm mộ gió ghi nhớ những người anh hùng thầm lặng ra Hoàng Sa mãi mãi không về. Và chứng kiến những đoàn thuyền đánh cá của ngư dân Lý Sơn hôm nay trực chỉ Hoàng Sa, Trường Sa, bất chấp mọi hiểm nguy đe dọa.

Vài năm trở lại đây, các nhà trường phổ thông ở Quảng Ngãi và nhiều địa phương khác trong nước đã đưa những nội dung về Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình giảng dạy ngoại khóa. Đó là điều hết sức cần thiết. Nhiều bài thơ của Nguyễn Thế Kỷ trong tập thơ “Về Tổ” này rất phù hợp nếu được đưa vào những chương trình như vậy./.


*Về Tổ - thơ Nguyễn Thế Kỷ-NXB Trẻ-TPHCM-2013                                                        
 


.