Xét cơ quan đạt chuẩn văn hóa ở TP. Quảng Ngãi: Còn nhiều lúng túng

07:03, 21/03/2013
.

(QNg)- Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là một trong những tiêu chí cơ bản trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn TP. Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN


Theo quy định, việc xét và công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá chỉ thực hiện ở những nơi có tổ chức công đoàn cơ sở và có đăng ký thi đua. Cơ sở để công nhận cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa là phải hoàn thành tốt nhiệm vụ; thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa công sở; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đối với doanh nghiệp, thì sản xuất, kinh doanh ổn định và từng bước phát triển; thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa doanh nghiệp; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người lao động; chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 

Cán bộ, nhân viên Phòng một cửa UBND TP. Quảng Ngãi nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý công việc của công dân.
Cán bộ, nhân viên Phòng một cửa UBND TP. Quảng Ngãi nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý công việc của công dân.


Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phong trào này các cấp công đoàn trong tỉnh đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nổi lên là thiếu sự quan tâm, cộng tác của các cấp, các ngành chức năng trong việc cấp kinh phí để thực hiện. Đội ngũ cán bộ công đoàn trong tỉnh còn thiếu, không bố trí được cán bộ chuyên trách theo dõi. Cơ chế, chính sách khen thưởng không có quy định trong Luật Thi đua- Khen thưởng nên khó thực hiện. Đối với doanh nghiệp, tiêu chí đạt chuẩn văn hoá còn khá cao, chưa có cơ chế ràng buộc, chưa thấy được lợi ích nên ít doanh nghiệp quan tâm.

Bà Đinh Thị Thanh Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Quảng Ngãi, cho biết, năm 2012, trên địa bàn thành phố có 109/111 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa, chiếm hơn 98%. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi. Nếu áp sát các tiêu chí thì tỷ lệ này chỉ dao động từ 70 đến 80% mà thôi. "Nhiều tiêu chí còn rất chung chung. Nội dung bảng chấm điểm làm khó cả cơ quan, đơn vị và cả người tham gia chấm lần cuối. Ví dụ trong bảng chấm điểm xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa có mục 1.2 nói về vấn đề tự học. Vậy tự học là sao? Ai kiểm tra vấn đề tự học. Tự học là bản thân họ biết và họ tự cho điểm thôi chứ người làm công tác như chúng tôi làm sao nắm được..." - bà Thủy nói.

Cũng theo bà Thủy, một cái khó hiện nay là các cơ quan, đơn vị thuộc quản lý của TP thì dễ chấm điểm, bình xét; còn các cơ quan, doanh nghiệp của Trung ương đóng trên địa bàn thì rất khó. Theo quy định của thành phố về trang phục công sở thì  nhân viên mặc áo không có cổ là trừ điểm, nhưng tiêu chí của tỉnh lại không có. Rồi nhiều tiêu chí không thể giám sát được. Còn các cơ quan Trung ương, nếu muốn xét bình chọn cơ quan văn hóa thì sắp tới thành phố sẽ yêu cầu phải có sự xác nhận của chính quyền phường, xã về các vấn đề thực hiện chính sách an sinh xã hội, tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ VNAH... thì mới bình xét được.

Một số tiêu chí trong việc chấm điểm cơ quan, doanh nghiệp văn hóa rất chung chung và khó có cơ sở để đơn vị tự chấm điểm cho mình. Trường hợp vừa qua ở một đơn vị có người vi phạm pháp luật (trộm cắp bị khởi tố - PV), nhưng người này do một cơ quan ở Trung ương gửi về để "học việc" chứ không thuộc biên chế đơn vị đó nên kết cục đơn vị đó vẫn là cơ quan đạt chuẩn văn hóa. "Chính bản thân chúng tôi làm công tác này nhưng vẫn nhận thấy nhiều cái khó lắm. Bình, xét cơ quan văn hóa cần lắm… trách nhiệm của đơn vị khi tự chấm. Họ cần nhìn nhận thực tế kết quả mà đơn vị mình làm được. Còn chạy theo phong trào thì quả là khó thật sự cho chúng tôi"- bà Thủy tâm sự.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.