Nhớ anh Trần Thiện Lục

02:03, 17/03/2013
.

* Thanh Thảo


(QNĐT)- Tháng 10/2012, tôi đi cùng đoàn công tác xã hội của Công đoàn ngành Dệt-May VN(VINATEX) lên hai bản biên giới Hà Giang trao áo ấm và quà tặng cho các em nhỏ học sinh ở đó. Lúc trở về Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh biết tôi vừa “đi núi” về nên có nhã ý mời ăn cơm.
 

Buổi tối hôm ấy, cùng ăn cơm với anh Hữu Thỉnh và vợ chồng tôi, còn có một người khách lạ. Nói “lạ” vì tôi chưa gặp anh bao giờ. Nhưng khi nghe Hữu Thỉnh giới thiệu: Anh Trần Thiện Lục, từng chiến đấu ở Phú Yên, là tôi nhớ ra ngay.

Trước đó nhiều năm, tôi đã nghe nhà thơ Ngô Thế Oanh kể rất nhiều về đam mê văn học và tài chữa bệnh bằng thuốc Nam gia truyền của Trần Thiện Lục-một anh lính người Bắc (quê Nam Định) nhưng đã bám trụ chiến đấu rất nhiều năm ở chiến trường Phú Yên ác liệt và gian khổ.

Rồi khi chiến tranh đi qua, không hiểu từ một cơ duyên nào, người lính Trần Thiện Lục lại tu luyện được nghề thuốc cùng với nghề làm báo và viết văn. Trần Thiện Lục trở thành cái tên được rất nhiều người biết, trên cả ba cương vị: Nhà báo, nhà văn và thầy thuốc.

Tôi cũng là một trong những người biết tên và hâm mộ thành tích chữa bệnh của “Thầy Lục”, dù tôi chưa được hân hạnh gặp anh lần nào. Bây giờ thì đã gặp. Và quả thật, Trần Thiện Lục, ngay từ phút đầu tiên, đã trao cho tôi một cảm giác hoàn toàn tin cậy.

Anh chân tình, khiêm nhường, mộc mạc. Anh nói với tôi chuyện ở chiến trường Phú Yên năm xưa, rồi chuyện anh học được nghề thuốc, chuyện chữa bệnh cứu người, trước khi nói chuyện nghề văn.

Ghi tặng tôi cuốn tiểu thuyết anh mới in: “Gió Tuy Hòa” với lời đề từ câu thơ Trần Mai Ninh: "Ơi cái gió Tuy Hòa!... Cái gió chuyên cần và phóng túng”, tôi đã hiểu ngay: lại là một nhà văn họ Trần nữa tiếp bước Trần Mai Ninh ngay trên mảnh đất Tuy Hòa, cùng với nhà thơ quá cố Trần Vũ Mai.

Dù cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa ngót 40 năm, nhưng văn học viết về đề tài chiến tranh vẫn chưa thể “phủ sóng” trên tất cả những vùng đất từng là chiến địa ngày trước. Vì thế, tiểu thuyết “Gió Tuy Hòa” của Trần Thiện Lục là một tác phẩm khá hiếm và quí, khi tác giả từng là người lính ăn chịu với chiến trường Tuy Hòa-Phú Yên hơn 10 năm trời.

Nhà văn Lê Minh Khuê, trong lời tựa cuốn sách này, đã viết chí lý: “Những năm tháng chiến đấu ở Phú Yên đã cho Trần Thiện Lục một món quà: Khả năng tái hiện cuộc chiến tranh nhân dân ở vùng đất này. Anh đã làm được một việc thật lớn, thật tình nghĩa với vùng đất đã che chở mình. "Tôi chợt nhớ tới Trần Vũ Mai, tác giả trường ca “Ở làng Phước Hậu” viết về chiến trường Phú Yên, mà tên ban đầu của tác phẩm là “Cảm giác lạc quan”. Trần Vũ Mai bằng thơ, và Trần Thiện Lục bằng văn xuôi, đã đau đáu trả nghĩa cho vùng đất và những người dân đã cưu mang mình trong chiến tranh.

Lòng biết ơn, đó cũng là phẩm chất cao quý của những người kháng chiến cũ, những người không lớn lối, chẳng ồn ào, mà lặng lẽ nhớ lại từng củ khoai, từng bát cơm người dân đã nuôi mình trong kháng chiến.

Nếu Trần Vũ Mai linh cảm được cái “lạc quan” ngay từ những ngày đầu giải phóng cũng chỉ mới là “cảm giác”, thì Trần Thiện Lục đã xác nhận bằng tiểu thuyết của mình, rằng cảm giác ấy là có thật,. Từng trang sách trung thực của Trần Thiện Lục đã cho ta đầy đủ cảm nhận ấy. Chỉ có nỗi đớn đau, chỉ có lòng biết ơn nhân dân là có thật, sâu nặng và thầm lặng.

Là người quê ở thành phố Nam Định, nhưng Trần Thiện Lục đã thực sự chọn Phú Yên-Tuy Hòa là quê hương tình nghĩa của mình. Anh cũng học được nghề thuốc từ vùng đất ấy.

Chỉ được ngồi chuyện trò với anh Lục vài tiếng đồng hồ, nhưng tôi đã tin cậy anh hoàn toàn. Và đó không chỉ là cảm giác, mà là niềm tin. Biết anh không chỉ giỏi nghề thuốc, mà còn giỏi coi phong thủy, tôi đã trân trọng mời anh vào thăm Quảng Ngãi, thăm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, anh Trần Thiện Lục đã vui vẻ nhận lời, nhưng rồi anh đã không vào được.

Tôi biết tin anh qua đời quá trễ, mãi sau gần một tuần, khi tình cờ lên mạng internet. Lại thêm một cây xanh tỏa bóng mát khiêm nhường ra đi, những bóng cây không có quá nhiều giữa thời khô hạn gay gắt này.


Nhưng tôi tin, những gì người lính Trần Thiện Lục, nhà báo và nhà văn Trần Thiện Lục, người thầy thuốc dân gian Trần Thiện Lục đã làm được trong cuộc đời mình, những điều ấy không mất đi. Nó còn lại như những cái bóng của cái bóng-cây-xanh-cuộc-đời-anh. Và khiến chúng ta được an ủi, được mát mẻ phần nào.

Cầu mong anh thanh thản nơi cõi Vĩnh hằng!       


 


.