Nghệ nhân Hà Thị Cầu - Người hát xẩm chợ cuối cùng đã ra đi

09:03, 04/03/2013
.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, trưa 3-3, nghệ nhân Hà Thị Cầu - người hát xẩm chợ cuối cùng đã ra đi, hưởng thọ 85 tuổi.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu (tên thật là Hà Thị Năm) sinh năm Mậu Thìn 1928 tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Cha mất sớm, bà cùng mẹ về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Lên 8 tuổi, bà đã bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Sống tại Yên Mô (Ninh Bình), hai mẹ con bà nương nhờ học hát tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu khi đó là trưởng 6 gánh hát ở Ninh Bình.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu là nghệ nhân duy nhất của nghệ thuật hát xẩm còn lưu giữ được nhiều làn điệu cổ của nghề. Trong sự nghiệp gắn bó với xẩm, bà đã nhận được bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt “Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình” trong Liên hoan trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc. Bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2004 và được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2008, nghệ nhân Hà Thị Cầu nhận được giải thưởng Đào Tấn - giải thưởng cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.

 Nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu.



Trước Tết Quý Tỵ 2013, sức khỏe nghệ nhân Hà Thị Cầu đã yếu , những đoàn nghệ sĩ và cũng là học trò của bà từ Hà Nội về thăm, có người bà còn chẳng nhận ra. Đạo diễn Lương Đình Dũng - người duy nhất đã từng làm một bộ phim tài liệu về bà mang tên “Xẩm đỏ” nghẹn ngào trước hung tin, anh nhớ lại: “Nghe tin bà ốm, chúng tôi xuống thăm, lúc đó bà đã rơi vào trạng thái mê mê tỉnh tỉnh, nhưng khi tôi cầm tay bà, gọi: “Bà ơi” thì bà vẫn mở mắt nói mỗi một câu rồi lại chìm vào cõi mê.

 

Bà Cầu đã sống một đời với những câu hát xẩm, lang thang từ vùng này sang vùng khác, sống nhờ những đồng tiền bố thí, bằng củ khoai mà người dân nghèo vì cảm phục tiếng hát tiếng đàn của bà mà đùm bọc, san sẻ. Người đàn bà khổ một đời, nghèo một kiếp, thế nhưng chưa lúc nào ngừng yêu tiếng hát xẩm, chưa lúc nào ngớt lo, khi bà phải rời xa cuộc sống này, sẽ lấy ai tiếp tục để nối dài những tiếng hát mà cất lên là đã thấy buồn thương”.

Chiều 3-3, nhiều nghệ sĩ, học trò đã về quê để nhìn mặt bà lần cuối trước khi tiễn đưa bà về với tổ tiên sáng mai 5-3 tại Yên Mô, Ninh Bình.
 

Theo V. XUÂN (SGGPO)

 


.