Xưng hô thời nô lệ

08:02, 25/02/2013
.

(QNg)- Năm 2005, sưu tầm tài liệu trong văn khố, tôi bắt gặp một lá đơn của người dân Thiết Trường (nay thuộc thị trấn Mộ Đức) năm 1935 gửi quan Khâm sứ Pháp ở Trung kỳ, đại ý nói đường xe lửa đắp qua ruộng, có chừa cống thoát nhưng nền cống lại cao, nước tưới không dẫn qua được, ảnh hưởng đến sản xuất lúa, nên đề nghị cứu xét. Đơn đại ý là như vậy, nhưng cái ngôn ngữ này mới thật đáng lưu ý:

"Kính bẩm Cụ Khâm sứ Đại Thần, Chúng con dân làng Thiết Tràng, tổng Ca Đức, phủ Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi đến cúi xin Quan Lớn [viết hoa] một việc sau nầy: Nguyên bộ làng chúng con có đường nước mạch, thường năm hai mùa, dân chúng con nhờ nước mương ấy đem vào ruộng đặng cày cấy và để nuôi lúa. Năm ngoái Quan Lục Lộ [viết hoa] đắp đường xe lửa ngang qua.[….] Nên nay dân làng chúng con xin đến quỳ lạy trước mặt Cụ Lớn, xin nhờ Cụ Lớn đèn trời soi xét…"

Nét chữ trong lá đơn rất đẹp (chắc hẳn đã được viết bằng bút "lá tre" chấm mực), mặc dù thời này mới là thời kỳ đầu chữ quốc ngữ được dùng chính thức, ở cái đuôi của lá đơn những người ký đều ký bằng chữ Hán.

Ngày nay, xem cái đơn ấy, ta vừa thấy tức cười (vì có vẻ lạ đời quá), nhưng ngẫm lại vừa cảm thương cho người nước mình thời nô lệ. Nhưng thời đó là vậy, giả thử ta sống thời đó, ta sẽ chẳng thấy gì là lạ. Các công chức cấp cao tư sản thực dân người Phú Lang Sa chắc không hiểu được cái ngôn ngữ quá đỗi tự ti hèn mọn như vậy (nếu biết, hẳn họ chỉ cười thầm khoái chí), còn người Việt yêu nước hẳn sẽ thấy rất đau. Xưng hô thời nô lệ hai tròng có khác thời "một tròng" phong kiến, nhưng nghĩ ra nhiều ít cũng là nô lệ mà thôi.

Cách mạng Tháng Tám đánh đổ cả thực dân xâm lược lẫn phong kiến chính là vì thế. Từ ấy về sau dân là chủ của nước. Chưa quen làm chủ thì phải tập làm chủ, mà trước tiên lại phải bắt đầu từ việc mở mang đầu óc, đẩy lùi tăm tối do cái tệ ngu dân trước kia để lại; cụ thể hơn nữa, là phải "chống giặc dốt". "Dốt" đúng là một thứ "giặc" thực sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một tầm nhìn chiến lược tuyệt vời, ngay trong lúc đất nước đang phải căng sức chống thù trong giặc ngoài.

Đến bây giờ dân trí đã cao hơn rất nhiều so với xưa kia, nhưng sao ở đây đó ta vẫn còn cái biểu hiện chưa thực tốt, trong lối cư xử, xưng hô; trong cái ý thức làm chủ và quản lý. Có những người dân khi đến cơ quan công quyền, dù là ở cấp xã phường, vẫn khúm núm rụt rè, có người còn… bỏ dép ở ngoài xa mới dám bước vào. Lại cũng có những cán bộ hình như mới hôm qua thôi cũng là người lao động, cũng mới khúm núm đó, nhưng nay có thể lên mặt quát nạt, thay vì khuyên người dân nên tự ý thức làm chủ. Cái "tàn dư" phong kiến ai ngờ có thể dai dẳng đến thế!


Cao Chư
 


.