Lòng trong như ngọc, sáng như sao

03:02, 24/02/2013
.

*Thanh Thảo


(QNĐT)- Tôi thực sự vinh dự khi được cụ Phạm Thị Trinh (ở chỗ thân tình tôi vẫn gọi bà là cô, vì bà cùng tuổi với má tôi, dù má tôi đã mất 25 năm nay) trao cho viết lời tựa tập “Thuyền thơ” của cụ.

TIN LIÊN QUAN

Tròn 100 tuổi, 80 năm tuổi Đảng, đảng viên năm 1930, nhiều năm tuổi trong tù ngục thực dân Pháp từ khi còn là con gái, đời cụ Phạm Thị Trinh là cả một chuỗi dài tranh đấu, một chuỗi dài vất vả chịu đựng của người vợ, người mẹ 6 đứa con, của người cán bộ phụ nữ hoạt động miệt mài vì nữ quyền.

 

Nhưng cũng là một chuỗi dài miên man những yêu thương. Thương dân, yêu nước. Thương chồng, yêu con, yêu cháu. Và yêu Thơ.

Từ năm 1931, cụ Trinh đã làm thơ, đã có thơ ngay khi ở tù. “Lòng trong như ngọc, sáng như sao” là câu thơ cụ viết trong tù năm 1931, lúc cụ mới 17 tuổi. Vào năm 1932, trong bài thơ “Gặp Toàn quyền Paskier”, tôi rất thú vị với đoạn thơ này của Phạm Thị Trinh:

                          “Có hai nhà báo ghế bên kia
                           Chăm chú ngồi nghe tay chép ghi
                           Về Pháp truyền lời: “ Cô thiếu nữ
                           Việt Nam cộng sản thế này đây!”


Vì tôi cũng là nhà báo, nên tôi hiểu cách nhà thơ tả về nhà báo như thế là rất thực. Nhà báo chân chính, dù thuộc màu da hay quốc tịch nào, cũng đều tôn trọng sự thật, và sẵn sàng bảo vệ sự thật. Trong cuộc gặp gỡ đặc biệt ấy, người giữ thế thượng phong là cô thiếu nữ Quảng Ngãi 18 tuổi, chứ không phải tay Toàn quyền (hay Khâm sứ Trung kỳ?) Paskier cáo già kia. Điều đó thì hai nhà báo Pháp đã nhận ra ngay.

Thơ Phạm Thị Trinh khí khái là vậy.
Nhưng hồn thơ Phạm Thị Trinh không chỉ khí khái, không chỉ tranh đấu, mà còn mở rộng cho những tình cảm bình dị của con người, của người phụ nữ, như tình vợ chồng: “Đưa đẩy cánh buồm xa mịt mịt/Trông theo dòng nước cách dần dần/” (Chia tay). Hai câu thơ có phong vị rất cổ điển.

Rồi khi vợ tiễn chồng đi đày mà không thấy mặt chồng: “ Làn khói nỡ đưa người cách biệt/Vòm cây đành choán kẻ yêu đương/” (Tiễn chồng đi đày). Hai câu thơ lại gợi nhớ tới “Chinh phụ ngâm”. Những tình cảm bình dị trong những hoàn cảnh không bình thường như thế thường thuyết phục người đọc thơ hơn hẳn những câu thơ gân guốc.

                                 “Em cũng như anh, cũng cảnh tù
                                Chúng ta đâu phải vụng đường tu?”

                                          (Em cũng như anh-1941)

Đi tù, ngày ấy, cũng là một cách “tu”: tu ở “chùa yêu nước”. Nhiều người cựu tù đã “đắc đạo”, đạo làm người, sau những tháng năm cắn răng “tu” như thế.

Bây giờ, mỗi khi nhớ lại thế hệ những người cộng sản đầu tiên như Nguyễn Chánh, như Phạm Kiệt, như Phạm Thị Trinh… lòng tôi lại rưng rưng niềm kính trọng. Đó là thế hệ những người đã phải chịu hy sinh rất nhiều để suốt đời vì Dân vì Nước.

Quảng Ngãi có ba vị tướng lỗi lạc, cả ba vị đều sinh ra bên dòng sông Trà, là Phạm Kiệt, Nguyễn Chánh, Trần Văn Trà, thì Phạm Kiệt là anh ruột Phạm Thị Trinh, còn Nguyễn Chánh là chồng bà Trinh. Cùng sinh năm 1914, nhưng một người mất năm 43 tuổi, người kia vừa tròn 100 tuổi:

                             “Anh ơi, nhìn anh còn trẻ quá
                                Em nay đã tám chục thu gần”

                                              (Nhìn lên tấm ảnh-1994)

Hai cái chết của hai con người kiệt xuất, Nguyễn Chánh và Phạm Kiệt đã khiến không chỉ tôi mà rất nhiều người yêu kính hai ông phải suy nghĩ rất nhiều. Họ chết khi đang ở độ chín của tài thao lược. Phạm Kiệt là tác giả của giải pháp “Kéo pháo ra” nổi tiếng tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Còn Nguyễn Chánh, những trận đánh, những chiến dịch ở khu Năm thời kháng chiến chống Pháp đã in đậm dấu ấn tài cầm quân và tầm nhìn chiến lược của ông.


Bà Phạm Thị Trinh đã “được ủy nhiệm” để sống thay cho chồng mình, cho anh mình. Và bà đã sống đẹp cuộc đời nay vừa tròn 100 tuổi, như một giao ước tình yêu với chồng mình, một giao ước huynh đệ với anh mình. Và, như một giao ước với cái xóm Vạn quê nhà bé bỏng nơi vợ chồng bà đã có những tháng năm sống khá ngắn ngủi ở đó:

                                  “Cái xóm nhỏ xinh xinh từ ngày ấy
                               Dọc bên bờ thuyền buông lái ngược xuôi”

                                                                         (Về xóm nhỏ)

Và đó là xóm Vạn “Xóm Vạn là ký ức của quê hương”.
Một người làm thơ đã trải đời đến như vậy, nhưng lạ lùng, Phạm Thị Trinh vẫn giữ cho mình chất hài hước nhẹ nhàng trong thơ mà người Pháp gọi là “humour”: Tặng cháu Chí Bình
                           
                            “Ai đẻ mày ra, hỡi Chí Bình ?
                              Tính thì tình cảm, mặt xinh xinh
                              Yêu bà, yêu mẹ, yêu yêu lắm,
                              Có cái gì ăn-ăn một mình!”


Rất thú vị! Đó có thể là những câu thơ hay nhất mà người Bà-nhân-loại đã viết để tặng cháu mình. Bởi tình cảm ấy riêng biệt mà phổ quát.

Ngày 8/3 năm nay là tròn 100 năm ngày sinh lão-nhà-thơ Phạm Thị Trinh. Tôi muốn kính dâng những dòng chữ nhỏ nhoi này lên cụ như một lời chúc an lành nhất. Chắc rằng trong ngày ấy Chủ tịch nước sẽ tặng cụ áo lụa vàng. Còn tôi, chỉ có những dòng chữ mộc mạc tặng cụ.


Dĩ nhiên, không thể chúc cụ sống lâu thêm trăm tuổi nữa, vì như thế e hơi…khó. Nhưng tròn 100 tuổi thọ, xưa nay cũng đã hiếm lắm rồi./.

 


.