Hoàng Việt với ca khúc Lá xanh: Bản hiệu triệu của cách mạng

02:02, 27/02/2013
.

Tôi biết đến hai từ cách mạng từ năm 1945 và mãi 2 năm sau, tháng 7-1947 tôi mới thoát ly theo cách mạng, lúc tôi 11 tuổi, hoạt động trong đoàn trẻ núi Lam tuyên truyền của huyện Cai Lậy và sau đó trở thành chiến sĩ trinh sát đặc công của Tiểu đoàn 309 chủ lực thuộc Tỉnh đội Mỹ Tho.

 

[audio(11049)]


Khi cuộc kháng chiến nổ ra ở Nam bộ, chúng tôi được các cán bộ cách mạng, các đội viên Thanh niên Tiền phong dạy những bài hát như Lên đàng, Xếp bút nghiên, Tự do cơm áo hòa bình… Rồi tiếp theo các ca khúc nổi tiếng khác như Nam bộ kháng chiến, Cương quyết ra đi, Việt Nam ngàn dặm… của các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Nguyễn Ngọc Bạch, Đắc Nhẫn, Tạ Thanh Sơn…

Thời kỳ đó, ở Mỹ Tho, chiến khu Đồng Tháp Mười, bên những xóm làng, bên những dòng kênh trong xanh, bộ đội Vệ quốc đoàn hành quân đánh giặc thường đóng quân trong các nhà dân, chiều chiều ca hát liên hoan văn nghệ nồng thắm tình quân dân và rất hấp dẫn với chúng tôi.

Vào những năm 1949, 1950, 1951 ở chiến khu miền Đông, Khu 8, Khu 9, các tiểu đoàn chủ lực của ta đã được thành lập và có nhiều trận đánh lớn như chống càn Đồng Tháp Mười. Ca khúc Lá xanh của nhạc sĩ Hoàng Việt ra đời vào thời kỳ này: “Lá còn xanh như anh đang còn trẻ, lá trên cành như anh trong toàn dân. Gió rung cây cành lá tưng bừng đùa vui, anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân…”.
 

Minh họa: A.Dũng
Minh họa: A.Dũng



Ca khúc ấy ra đời và được hát vang trên mọi nẻo đường của Nam bộ, đã động viên được lớp lớp tuổi trẻ lên đường đầu quân cứu nước.

Theo nhận xét của tôi, có lẽ tác giả ca khúc Lá xanh cũng không ngờ bài hát có sức biểu hiện kêu gọi lớn lao như vậy. Tôi nhớ ý câu nói của nhà thơ Êrenbua: “Sức mạnh của một tác phẩm nghệ thuật chân chính đã động viên được mọi người còn lớn hơn sức mạnh của cả sư đoàn đánh giặc”.

Đến năm 1954, hòa bình được lập lại, các đơn vị của chúng tôi được chuyển quân tập kết ra Bắc. Chia tay những xóm làng, những dòng sông, dòng kênh bạt ngàn dừa nước, bà con có dịp nghe vang tiếng hát của Vệ quốc đoàn với “Lá còn xanh như anh đang còn trẻ…”. Chia tay, người đi, người ở lại đều vinh quang…

Ở miền Bắc chúng tôi góp phần xây dựng quân đội chính quy, xây dựng kiến thiết miền Bắc xã hội chủ nghĩa - bài hát Lá xanh vẫn reo vang từ Hà Nội đến Việt Bắc, Tây Bắc xa xôi, trên các nông trường, công trường.

Năm 1962, tôi lại được hành quân vượt Trường Sơn cùng đồng đội về thành lập đoàn Văn công quân giải phóng miền Nam đi phục vụ bộ đội, nhân dân các vùng giải phóng, kể cả những nơi trong vùng tạm chiếm khi hai bên được ngừng bắn vài ngày. Ca khúc Lá xanh vẫn được hát vang trong chương trình biểu diễn song song với các ca khúc Giải phóng miền Nam, Hành khúc giải phóng, Tiến về Sài Gòn, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn… động viên quân dân ta, cả nước lên đường chống Mỹ cứu nước.

Tôi cũng được biết, vào những ngày đồng khởi ở Bến Tre năm 1960, ca khúc Lá xanh vẫn được hát vang để động viên mọi người nổi dậy phá ấp chiến lược, diệt tề, mở rộng vùng giải phóng và nhập ngũ theo bộ đội giải phóng lên chiến khu R, căn cứ cách mạng.

Nhiều lúc tôi tự hỏi: Đã 60 năm rồi, khi hát ca khúc Lá xanh sao lòng chúng tôi vẫn tự hào xúc động, không thấy nhàm chán vẫn thể hiện được tình cảm sức trẻ năm xưa. Trong trái tim mình vẫn thiêng liêng ghi dấu với bao kỷ niệm về quê hương, về đồng đội không bao giờ phai.

Năm 1966, trở về miền Nam, nhạc sĩ đã viết Đêm trăng trên đất Kiên Tường với nghệ danh nhạc sĩ Lê Quỳnh và anh đã hy sinh năm 1967 tại chiến trường An Hữu, Hậu Mỹ, Cái Bè, Tiền Giang; nơi đó cũng là quê ngoại của nhạc sĩ.

Tôi vẫn còn nhớ mãi khi được biết câu chuyện đầy cảm động sau đây: Trong chuyến đi thực tế sáng tác lần đầu tiên này, khi chia tay đứa con thân yêu Lê Dũng của anh bên bờ sông Vàm Cỏ, anh ôm con và nói: “Không biết sau này ba đón con hay con lại đón ba trở về”. Ôi cuộc chia tay thầm lặng nhưng vĩ đại vô cùng.

Thành tích của anh xứng đáng là một anh hùng, mà trước đó anh từng viết bản Tình ca nổi tiếng trong và ngoài nước đều biết đến, làm xao động biết bao con tim. Một người nhạc sĩ đã từng viết nên bản giao hưởng đầu tiên của Việt Nam, bản giao hưởng số 1 Quê hương.

Theo SGGPO

 


.