Trách nhiệm của báo chí trong bảo vệ bí mật đời tư

10:11, 02/11/2012
.

Đó là chủ đề cuộc Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu Truyền thông phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức chiều 1/11 tại Hà Nội.
 

Hộ thảo Trách nhiệm của báo chí trong việc bảo vệ bí mật đời tư công dân - Ảnh: Chinhphu.vn
Hộ thảo Trách nhiệm của báo chí trong việc bảo vệ bí mật đời tư công dân - Ảnh: Chinhphu.vn

Thời gian qua, trên báo chí, những thông tin về vấn đề đời tư của công dân, như của các doanh nhân – “đại gia” giàu có, chuyện đời tư của ca sĩ, người mẫu, thể thao… luôn được dư luận quan tâm.

Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra những trường hợp khai thác quá mức, đi quá đà nhằm làm các tin, bài giật gân. Thậm chí có tờ báo cố tình khai thác nguồn tin thất thiệt, đưa tin xâm phạm đời tư công dân để câu khách làm ảnh hưởng sâu sắc đến danh dự, nhân phẩm và cuộc sống của cá nhân.

Cũng đã có một số cá nhân kiện cơ quan báo chí có hành vi thông tin xâm phạm đời tư, thông tin không đúng sự thật.

Chia sẻ quan điểm của mình nhà báo Đà Trang, Báo Tuổi trẻ trăn trở: Thực tại cho thấy, nhiều báo xâm phạm đời tư người khác khá “ngang nhiên”. Một số nhà báo trẻ ít chú trọng khía cạnh pháp lý, đạo đức nghề nghiệp, không ít phóng viên, nhà báo tự cho mình quyền phán xét, “ném đá”.

Về mặt pháp luật, tuy đã có quy định bảo vệ quyền bí mật đời tư công dân. Tuy nhiên về nội hàm khái niệm “bí mật đời tư” lẫn “quyền bí mật đời tư” đều chưa rõ; ranh giới giữa "xâm phạm đời tư” và “thông tin phục vụ đại chúng (lợi ích công cộng)” là mong manh. Do vậy, để hạn chế tình trạng này, nhà báo Đà Trang cho rằng: "Nhà báo phải biết đặt mình vào vị trí nhân vật” khi viết thông tin cá nhân.

Chia sẻ quan điểm này, các đại biểu tại Hội thảo cho rằng việc đưa thông tin cá nhân cần phải được xác minh chính xác, có kiểm chứng và có sự trao đổi, đồng thuận của nhân vật. Đặc biệt, các nhà báo cần xác định rõ mục đích khi viết tin bài, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về báo chí và quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông viết trong bản tham luận tại Hội thảo: Báo chí có xu hướng khai thác những vấn đề đời tư trong khuôn khổ pháp luật để phục vụ lợi ích xã hội, nhưng việc phân định ranh giới cũng như cách hiểu đang còn khác biệt. Do vậy báo chí với vai trò to lớn trong việc định hướng dư luận cần đề cao trách nhiệm trước xã hội, tuân thủ nghiêm túc quy tắc đạo đức nghề nghiệp và thể hiện được sự bao dung để xác định được giới hạn cần có khi thông tin về đời tư cá nhân và khi đó tác phẩm báo chí sẽ thấm đượm tính nhân văn.
 

Theo Trần Mạnh/Chinhphu.vn


.