Người suốt đời “mắc nợ nhân dân”

03:11, 02/11/2012
.

Thanh Thảo   


(QNĐT)- Đó là nhà văn Nay Nô, người dân tộc Ja-rai. Tốt nghiệp đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970, Nay Nô tình nguyện đi chiến trường, và anh được “tuyển” vào lớp đào tạo Nhà văn trẻ do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, hồi đó lớp học đóng tại Quảng Bá-Hà Nội.

Sau mấy tháng “dùi mài kinh sử”, kể cả học những kỹ năng “biệt kích”, lớp học này lên đường vào chiến trường miền Nam năm 1971. Và Nay Nô được phân công về chiến trường khu Năm.

Anh đã tham gia kháng chiến ở chiến trường ác liệt này suốt 5 năm cho tới ngày giải phóng. Trong thời gian ấy, Nay Nô chỉ viết được duy nhất một truyện ngắn, hình như nhan đề là “Ở Ro”. Nhưng đó là một truyện ngắn rất hay, viết rất có chất và bộc lộ được “character” của người cầm bút.

Sau truyện ngắn thành công này, mọi người ở Văn nghệ Khu Năm hết sức khuyến khích Nay Nô tiếp tục sáng tác, nhưng anh chỉ… cười, rồi tiếp tục làm các nhiệm vụ ở chiến trường mà không thấy viết lách gì nữa.

Hoà bình, trong lúc mọi người đổ về các thành phố, thì Nay Nô lặng lẽ về… rừng. Chính xác là anh trở về quê hương anh. Năm 1977, Nay Nô được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, dù anh chỉ có một truyện ngắn duy nhất.

Cùng dịp đó, tôi với Thái Bá Lợi và Trung Trung Đỉnh đi thực tế sáng tác ở Tây Nguyên mà trong túi không có xu nào, đã “phi” xe đò về Đaklak. Dọc đường từ Pleiku sang Buôn Ma Thuột, ba chúng tôi chỉ còn đúng… 1 đồng bạc, mua được sáu trái bắp nấu của bà con dân tộc bán dọc đường, chia nhau ăn đỡ đói. Thế mà ổn, bụng khỏi kêu réo gì cho tới khi về buôn A-Lê-A truy tìm ông bạn Nay Nô. Tới đó đã gần tối, chúng tôi biết ông bạn Nay Nô của mình đang công tác ở “tọa độ” này, nhưng chính xác ở cơ quan nào thì không biết.

Thế là bắt đầu “chiến dịch truy tìm Nay Nô” kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Cuối cùng, chúng tôi đã tầm ra anh.

Mừng quá! Anh em ôm nhau xong, Nay Nô hỏi: “Các ông đã ăn gì chưa?” Chúng tôi nói đói quá, đi cả ngày chỉ được vài trái bắp nấu trong bụng, tiền thì không có, Nay Nô nói chuyện này nhỏ hơn con thỏ ở rừng. Rồi anh dẫn chúng tôi tới một quán quen, quán bé xinh thôi nhưng cũng bán đủ thứ thức ăn được.

Nay Nô giới thiệu chúng tôi với bà chủ quán, nói đây là bạn cũ của “chú Bình”. Mới đầu chúng tôi không hiểu “chú Bình” là ai, sau mới biết đó chính là bí danh của Nay Nô. Cứ như hồi hoạt động bí mật! Mà bí mật thật. Vì nghe Nay Nô nói gì với bà chủ quán, giọng rất thì thào. Bà chủ gật gật, bảo chúng tôi đi đâu đó chơi, ba mươi phút nữa hãy quay lại quán.

Chúng tôi được Nay Nô hướng dẫn đi “tham quan” thành phố Buôn Mê Thuột, dù bụng đang sôi réo, chỉ thèm cơm. Nay Nô nói cứ yên chí lớn, đi một chút cho… tiêu cơm (làm gì có cơm mà tiêu) rồi mình về quán nhậu chơi. Ba mươi phút sau, chúng tôi có mặt tại quán. Bà chủ mang ra một con gà luộc béo ngậy và một chai rượu cỡ… bố. Chúng tôi mừng quá, bốn anh em xúm vào xé gà ăn và uống rượu, chuyện nở như bắp rang. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, cứ tưởng Nay Nô cũng đói rách như mình, ngờ đâu hoành tráng…

Chúng tôi cứ đánh chén thực tình, và luôn được Nay Nô khuyến khích: Cứ ăn thật lực vào, còn nồi cháo gà nữa đấy! Đúng là có nồi cháo gà thực, và mấy anh em chúng tôi được một bữa no say. Hỏi Nay Nô dạo này có sáng tác gì không, anh cười cười: Thì “ sáng tác” được một bữa nhậu với các ông như thế này cũng là một tác phẩm đẹp rồi! Hôm sau, chúng tôi mới biết, quả Nay Nô “sáng tác” ra tác phẩm “bữa nhậu con gà luộc” thực, vì toàn bộ cuộc nhậu anh đều… thiếu chịu bà chủ quán.

Anh phải nói rất bùi tai, giới thiệu chúng tôi rất hoành tráng, bà chủ mới sẵn lòng cho anh… chịu. Ba chúng tôi vừa méo miệng cười vừa… rưng rưng: bạn bè thời chiến trường có khác, trong gian nan vẫn không bỏ nhau, vẫn đùm bọc nhau dù là một… bữa nhậu.

Hoá ra, chúng tôi đều giống nhau lúc ấy: Chả ai có tiền, kể cả Nay Nô, nhưng vẫn có nhiều cuộc chén chú chén anh tưng bừng. Các cụ nhà văn ngày xưa chắc cũng cao hứng và… liều đến thế mà thôi! Sau đó chừng vài năm, thì Nay Nô… biến mất. Anh đã về ở hẳn nơi rừng núi quê nhà.

Tái bút: Cách đây mấy ngày, nhờ chị Thu Hồng-vợ cố nhà thơ Đỗ Nam Cao mời và bỏ tiền mua vé máy bay, nhà văn Nay Nô đã bay ra Hà Nội dự cuộc tọa đàm về thơ Đỗ Nam Cao nhân kỷ niệm tròn năm ngày anh Cao mất. Và chúng tôi mới được gặp Nay Nô sau bao nhiêu năm cách biệt.

Nay Nô vẫn vậy. Vừa ôm nhau ở một quán ăn trên đường Lý Thường Kiệt, Nay Nô đã đọc câu thơ: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/Những chuyện nợ cũ xin đừng nói ra”. Thì ra, ám ảnh lớn nhất của Nay Nô suốt mấy chục năm nay không phải vấn đề chiến tranh cách mạng hay xây dựng Chủ nghĩa xã hội, mà là vấn đề… nợ. Anh cho biết, nỗi sợ lớn nhất của anh là sợ…bị đòi nợ.  Nghe rất cảm động và… đau xót. Quá giống với tình cảnh đất nước mình bây giờ. Đi đâu cũng gặp nợ xấu, đi đâu cũng bị đòi nợ.

Nay Nô đã về hưu, đã là cựu chiến binh, giờ cả ngày chỉ đánh cờ tướng độ và… bắn nỏ. Anh khoe đánh cờ và bắn nỏ được giải thưởng của Hội cựu chiến binh Gia Lai nhé! Anh khoe cũng có “nhà mặt phố” hẳn hoi, dù nhà khá rách nát, nhưng láng giềng toàn là… quán nhậu bình dân. Ở Pleiku như thế, khả năng “cắm nợ” của cựu chiến binh Nay Nô phải tăng lên thấy rõ, và “nợ xấu” cũng sẽ nhiều hơn.

Đành vậy! Nhưng trong cuộc tọa đàm về thơ Đỗ Nam Cao, Nay Nô đã được một người bạn cùng đi chiến trường với mình, giờ làm to, tặng một… phong bì. Đó có lẽ là món quà thiết thực nhất với Nay Nô, người “suốt đời mắc nợ nhân dân”./.
 


.