Trên dưới trong ngoài…

06:10, 07/10/2012
.

(QNg)- Ai nghe câu thành ngữ “Trên đe dưới búa” ắt cũng có một lần thắc mắc: Làm sao mà trên lại là cái đe, và dưới lại là cái búa cho được? Tuy nhiên đó chỉ là một cách hiểu chưa thấu đáo: Trong câu thành ngữ, cái không được nói đến đang nằm trên cái đe và dưới cái búa, có nghĩa là đang rất nguy nan.

Đâu chỉ riêng tiếng Việt, trong tiếng Anh, nhiều người thừa nhận, cái khó không ở các ngữ, các từ dài ngoẵng, các từ thì khá phức tạp, mà "ớn" nhất giới từ. Xem bóng đá, khi có sự thay cầu thủ, thường thấy hiển thị In (vào), Out (ra), nhưng ta lại không thể hiểu nổi ai quay lại khán đài, ai ra sân đá. Bởi ta cũng có thể hiểu In là vào trong khán đài (thôi đá) mà cũng có thể vào sân (để đá); out là ra khỏi khán đài (để đá) mà cũng có thể ra khỏi sân (thôi đá); có nghĩa là có thể dẫn đến nhầm lẫn bởi hai chiều ngược nhau.

Xem dự báo thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam, thấy cô phát thanh viên nói: Một khối khí lạnh từ trên Quảng Đông Trung Quốc tràn xuống nước ta… tôi lại thấy hơi giật mình; không chỉ bởi nó vô tình gợi không đúng về tinh thần quốc gia, mà còn bởi tính khoa học của câu này.

Nói trên hay dưới như dự báo, chỉ là nói theo kiểu quy ước của tấm bản đồ (phía bắc nằm trên, phía nam nằm dưới); nếu bản đồ mà quy ước phía nam nằm trên, phía bắc nằm dưới, chắc hẳn ta lại phải nói: một khối khí lạnh từ dưới Trung Quốc tràn lên nước ta… chăng? Vậy nên cách nói như thế cũng không ổn. Sao không thể nói: một khối khí lạnh từ phía Quảng Đông Trung Quốc tràn đến nước ta… có phải dễ nghe và khoa học hơn chăng? Cần phải hiểu loại từ hàm nghĩa chỉ hướng thường là những quán ngữ, phụ thuộc nhiều vào quán tính, chẳng hạn ở nước ta, người ta nói ra Bắc vào Nam, mà không ai nói ra Nam vào Bắc, mặc dù ra hay vào đều cùng nghĩa là đi (khác với vào nhà ra ngõ, có ý niệm khác biệt rõ rệt); cũng như người ta nói lên rừng xuống biển; với người miền Trung thì núi (phía tây) là trên, đồng bằng (phía đông) là dưới, Bắc là ngoài, Nam là trong, dù trên thực tế không phải ở đâu trên đâu dưới, đâu trong đâu ngoài cả; vì quả đất tròn, đâu cũng như đâu.

Không phủ nhận rằng trong các từ như trên, dưới, trong, ngoài, lên, xuống, ra, vào hàm những thực nghĩa không thể thay thế, như trên đỉnh núi, dưới lòng sông, trong nhà, ngoài đường, nhưng một khi nó không hoàn toàn mang thực nghĩa như đã dẫn trên, thì hoàn toàn có thể thay thế bằng một từ trung tính. Chẳng hạn một huyện có một xã nằm ở phía tây huyện, một cán bộ huyện bảo: "Lên xã", còn cán bộ xã lại bảo: "Xuống huyện!", trong khi nếu nói đến thứ bậc hành chính, thì phải nói theo cách ngược lại. Nhưng nói cách ngược lại (Lên huyện, xuống xã) thì theo quán tính, lại dễ hiểu nhầm về phương hướng; trong nhiều trường hợp lại rất khó lọt tai, chẳng hạn ta từ Quảng Ngãi (cấp tỉnh, ở phía nam) đi Hà Nội (cấp trung ương, ở phía bắc) mà lại bảo lên Hà Nội, từ Sơn La (miền tây) đi Hà Nội mà bảo lên Hà Nội, thì chắc không ai nghe được. Cho nên cách tốt nhất là dùng từ trung tính (đi về huyện, đi về xã, đi Hà Nội); khi ấy ta sẽ chẳng mắc phải sai lầm nào.


Trên dưới, trong ngoài là những từ bình thường, song đôi khi ta cũng nên để ý chút ít đến nó, chính là vậy.


  Minh Tuệ
 


.