Nơi ấy có những người bạn của tôi

03:10, 23/10/2012
.

(QNg)- Tôi nhớ đến một chi tiết lịch sử cách đây hơn 540 năm, trong cuộc chinh Nam vua Lê Thánh Tông, có dừng chân tại động Hàng Đô (nay nằm trước mặt UBND xã Bình Hải) và nói "Thiên giáng Vạn Tường". Lời của vua âm vang và trở thành tên đất tên làng, tên của một trường trung học phổ thông trên đất "Thiên giáng". Đó chính là Trường trung học phổ thông Vạn Tường.

TIN LIÊN QUAN


 Trường được thành lập từ năm 1982 đến nay đã 30 năm. Chừng ấy thời gian biết bao lớp học trò của nhà trường giờ đã trưởng thành, nhiều em trở thành nhà quản lý, nhà kinh doanh, nhiều kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học… có mặt trên mọi miền đất nước. Tôi chưa trực tiếp có tiết dự giờ, giảng dạy nhưng có tình cảm thân mật, gắn bó với ngôi trường này. Vì nơi ấy có những người bạn của tôi cùng Hội đồng sư phạm của nhà trường ngày đêm gắn bó với trường và ra sức xây dựng nhà trường ngày càng phát triển để đáp ứng với niềm mong mỏi học tập của con em, nhân dân các xã miền Đông của huyện Bình Sơn và của các cấp chính quyền huyện nhà. Qua những người bạn của tôi, tôi đã biết được những hoạt động dạy và học của Trường trung học phổ thông Vạn Tường.

 

Trường phổ thông trung học Vạn Tường hôm nay. Ảnh: LÊ NGỌC TUÂN
Trường phổ thông trung học Vạn Tường hôm nay. Ảnh: LÊ NGỌC TUÂN


Trong năm học đầu tiên nhà trường chỉ có 3 lớp bậc trung học phổ thông và mỗi lớp chưa tới 30 học sinh, nhưng đến nay nhà trường có 47 lớp, trong đó có 40 lớp bậc trung học phổ thông. Cả hai bậc: Trung học phổ thông và Trung học cơ sở nhà trường có hơn 2.000 học sinh. Tôi chỉ đưa ra con số như vậy cũng đủ nói lên sự lớn mạnh của ngôi trường này trong vòng 30 năm qua.

Thầy giáo Nguyễn Địch, ra trường năm 1984 và đến nhận công tác tại ngôi trường này, nay thầy là hiệu trưởng của nhà trường là người học cùng lớp và có sự gắn bó với tôi trong những năm tháng tại Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn. Kỷ niệm về thầy làm sao tôi nhớ những ngày cơm cháy, củ mì, thuốc rê… tại ngôi trường mà chúng tôi đã từng được học.

Bản thân thầy Địch từng là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, lớp Văn khóa III của Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn. Nhưng trong những ngày tháng giữ "chức vụ trọng trách" thầy được tập thể lớp và Khoa tín nhiệm, coi như lớp có được một cán bộ năng động và làm việc hiệu quả. Nhưng tôi không nhớ chính xác có một thời gian ôn tập một kì thi nào đó của năm thứ ba hay thứ tư, lớp quyết tâm xóa nạn mù cờ tướng và thầy Địch là một trong những người đi tiên phong trong công cuộc xóa mù cờ này. Chính tính tiên phong này mà thầy được Khoa mời lên trao đổi, để rút kinh nghiệm.

Sau đợt rút kinh nghiệm đấy, tôi không nhớ thầy còn làm cán bộ của lớp nữa hay không, nhưng tập thể lớp vẫn tin tưởng vào việc quản lý lớp của thầy. Trong những tháng năm sống và học tập tại Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn tình yêu của thầy Địch lại đến với cô sinh viên xinh xắn cùng lớp, cùng trường. Đó là cô Võ Thị Ngữ. Cô Ngữ là một người hiền thục nết na có cái màu da của đất trời Phù Cát, vùng đất sinh ra cô và nuôi dưỡng cô, để cô trưởng thành đến ngày hôm nay. Năm 1984 cô Ngữ ra trường và được phân công về giảng dạy tại Trường trung học phổ thông số II Phù Cát, đến năm 1992 cô Võ Thị Ngữ được chuyển về giảng dạy cùng trường với chồng.

Hai người yêu nhau từ thời sinh viên và thành vợ thành chồng cũng sớm nhưng do số phận ông trời hay sao mà hai người lại có con rất muộn. Đứa con của hai vợ chồng thầy Nguyễn Địch và cô Võ Thị Ngữ đến bây giờ mới sắp vào lớp 1. Tất cả niềm vui cuộc sống gia đình hai vợ chồng thầy Nguyễn Địch và Võ Thị Ngữ đã dồn hết tình thương vào cậu con trai của mình và công việc của Nhà trường.

Người bạn thứ ba mà tôi sắp kể ở đây là thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng. Thầy Nguyễn Mạnh Hùng sinh ở Hải Phòng, sau ngày miền Nam được giải phóng thầy Hùng mới về quê cha Quảng Ngãi.

Khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn thầy hăng hái lên đường nhận công tác giảng dạy tại một trường trung học phổ thông thuộc tỉnh Gia Lai, rồi sau đó thầy được chuyển về Trường Trung học phổ thông Bình Sơn, đến năm 1997 thầy mới được về công tác tại Trường Trung học phổ thông Vạn Tường, ngôi trường mà thầy hằng mong ước ấp ủ từ lâu. Vì về giảng dạy tại trường này, thầy có nhiều thuận lợi.

 

Nhưng cái điều quan trọng hơn là thầy Nguyễn Mạnh Hùng muốn đem hết sức lực của mình để xây dựng quê hương, xây dựng ngôi trường mà nơi ấy có đàn em, đàn cháu của bà con, láng giềng hằng ngày cắp sách đến trường tung tăng trong chiếc áo dài trắng dưới ánh nắng ban mai trên các nẻo đường làng của mảnh đất Bình Hòa giàu tình nặng nghĩa với bao niềm mong ước thiết tha, học để hiểu biết, học để sống, học để lập nghiệp, học để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Trong thời gian này thầy Hùng lại có thời gian để làm thơ. Thơ thầy viết cho học sinh, cho người đẹp và để giãi bày tâm sự của chính bản thân thầy trong cuộc sống.  

Thơ của thầy Hùng có nét riêng, rất ấn tượng và có sức hấp dẫn độc đáo. Vì vậy nhiều bài thơ của thầy cũng được đăng trên báo Hải Phòng, báo Quảng Ngãi. Chính vì thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng biết làm thơ và có nhiều bài "hơi lạ". Đây cũng là điều có sự gặp gỡ đồng cảm giữa tôi với thầy Hùng. Nhiều khi thầy Hùng làm xong một bài thơ lại đọc cho tôi nghe qua máy điện thoại để chia sẻ nỗi niềm. Và tôi cũng vậy. Khi có trang báo nào giới thiệu thơ của tôi hay thơ của thầy Hùng, tôi và thầy Hùng thông báo cho nhau để tìm đọc…

Chính điều ấy, đã tạo nên sự gần gũi giữa thầy với mọi người và nhất là các thế hệ học sinh. Và thầy được các thế hệ học sinh yêu mến, kính trọng.

Tôi viết hơi nhiều về các người bạn của tôi mà đôi khi quên đi sự cố gắng vươn lên của nhà trường thì có nhiều điều thiếu sót. Lẽ dĩ nhiên những người bạn của tôi đấy cũng ngày đêm góp phần cho sự phát triển của nhà trường, để nhà trường có những bước trưởng thành như ngày hôm nay.

 Điều mà chúng ta nhận thấy Trường trung học phổ thông Vạn Tường đóng địa bàn hoạt động ở nông thôn thuộc khu Đông huyện Bình Sơn. Học sinh hầu hết là con em nông dân, việc đầu tư học tập của các em chưa thật đúng mức. Có năm điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 chỉ có 1,5 điểm/ môn. Nhưng với sự nỗ lực vươn lên của nhà trường và sự quyết tâm của thầy và trò Trường trung học phổ thông Vạn Tường đã không ngừng phát triển. Nhiều năm liền học sinh của trường đỗ tốt nghiệp và đỗ vào các trường đại học, cao đẳng có cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. Đây là tín hiệu mừng của Nhà trường.

Tôi viết bài này khi thầy trò Trường trung học phổ thông Vạn Tường đang chuẩn bị tất cả mọi công việc để tiến hành lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường. Trong ngày Đại lễ đó, quý thầy cô giáo đã và đang giảng dạy tại ngôi trường này cũng như các thế hệ học sinh có mặt trong ngày trọng đại ấy sẽ cảm nhận được nhiều điều về mái trường, lớp học, tình thầy trò… Nhưng tất cả chắc ai cũng có sự cảm nhận chung, bây giờ Trường trung học phổ thông Vạn Tường ngày càng khang trang, xinh đẹp hơn, nằm trên mảnh đất anh hùng một thời trong chiến tranh và chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng nâng lên, tiến bộ hơn nhiều.


 Đoàn Văn Khánh
 


.