Khai quật khảo cổ khu vực lòng hồ Nước Trong: Chứng tích của một nền văn hóa cổ

08:08, 24/08/2012
.

(QNg)- Qua 2 năm khai quật khảo cổ tại khu vực vùng thung lũng sông Tang (nằm trong lòng hồ chứa nước Nước Trong), kết quả khai quật đã làm rõ được nhiều vấn đề khoa học quan trọng và thu hồi bảo tồn khối lượng lớn di vật khảo cổ chứng minh dấu tích văn minh cổ đã tồn tại ở vùng núi Quảng Ngãi cách đây hàng ngàn năm.

TIN LIÊN QUAN


Phát hiện nhiều hiện vật nghìn năm tuổi

Cuộc khai quật được Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành tại thung lũng sông Tang thuộc hai xã Trà Xinh và Trà Thọ (Tây Trà), bắt đầu từ giữa tháng 12/2010 cho đến nay. Dự án khai quật trải qua 2 giai đoạn với diện tích 4.000 m2. Giai đoạn 1 được thực hiện ở 5 địa điểm: Trà Veo 2, Trà Veo 3, thôn Tre 1, thôn tre 3, thôn Tre 4 với diện tích khai quật 2.000 m2; giai đoạn 2 tiến hành khai quật tại địa điểm thôn Tre 1 cũng với diện tích 2.000 m2.

Hoạt động khảo cổ học tại hồ chứa nước Nước Trong.                                                  Ảnh: A.VINH
Hoạt động khảo cổ học tại hồ chứa nước Nước Trong. Ảnh: A.VINH


Trở về từ công trình khai quật khảo cổ học lòng hồ chứa nước Nước Trong, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi- Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi cho biết: Đến thời điểm này việc khai quật sắp hoàn thành và hiện nay các nhà khảo cổ học đang khẩn trương đưa các hiện vật ra khỏi lòng hồ để kịp tiến trình lắp dòng hồ chứa nước Nước Trong. Kết quả khai quật đã phát hiện khu cư trú của cư dân tiền Sa Huỳnh. Tại đây cũng đã tìm thấy cùng lúc di chỉ cư trú và di chỉ mộ táng của cư dân tiền sử. Đây cũng là lần đầu tiên di chỉ cư trú của cư dân tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh được tìm thấy, đặc biệt là mộ táng của họ cũng nằm chung trong khu cư trú. Qua 2 năm tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 60 mộ táng. Ở đây xuất hiện cả táng tục mộ vò, mộ chum, mộ đất chôn sâu trong tầng văn hóa cư trú và nhiều đồ trang sức có giá trị. Đặc biệt, có nhiều mộ chum được trang trí rất đẹp, tinh tế, đạt trình độ thẩm mỹ cao và có hình dáng khác lạ với đặc trưng văn hóa chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào khác.     
    
Ông Khôi cho biết thêm: Di vật tìm thấy trong hố khai quật có số lượng nhiều và hầu hết nằm trong mộ táng bao gồm:  Đồ đá (rìu vai, bôn răng trâu, rìu mài lưỡi, hòn đập, hòn ghè, chày nghiền...), đồ đồng (rìu đồng, vòng đồng, bát đồng), đồ sắt (dao, giáo, đục, xỉ sắt), đồ gốm (bát bồng, nồi, bình, vò, dọi xe chỉ), đồ trang sức (hạt chuỗi đá mã não, khuyên tai, hạt chuỗi thủy tinh, khuyên tai...) trong đó đặc biệt là khuyên tai hai đầu thú - hiện vật được coi là chỉ dấu độc đáo nhất của văn hóa Sa Huỳnh. Cuộc khai quật lần này đã phát hiện văn hoá người tiền sử miền núi trong thời đại kim khí với giai đoạn sớm và giai đoạn muộn. Các di tích, di vật từ giai đoạn sớm đến muộn tại các địa điểm khai quật phảng phất quan hệ hai chiều với văn hóa hậu kỳ đá mới sơ kỳ kim khí Tây Nguyên. Như là cầu nối văn hóa từ vùng Tây Nguyên qua dải Trường Sơn tiến xuống đồng bằng để hình thành nên văn hóa Sa Huỳnh và ở giai đoạn muộn có sự tác động ngược lại của văn hóa Sa Huỳnh lên vùng Tây Nguyên.

"Kết quả khai quật khảo cổ học tại vùng thung lũng sông Tang (khu vực lòng hồ chứa nước Nước Trong) đã xác nhận có nền văn minh phát triển rực rỡ của cư dân Sa Huỳnh có sắc thái đặc trưng miền núi. Về niên đại kéo dài hơn 1.000 năm từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ sắt, từ tiền Sa Huỳnh đến Sa Huỳnh. Nơi đây có ý nghĩa như một bức tranh thu nhỏ của thời đại kim khí tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh ở duyên hải miền Trung Việt Nam. Đặc biệt đã chứng minh nguồn gốc bản địa của văn hóa Sa Huỳnh và con đường hình thành phát triển của văn hóa Sa Huỳnh, đóng góp nhiều tư liệu để có nhận thức mới về văn hóa Sa Huỳnh…."- tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cho hay.

Bảo tồn và phát huy

Theo tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, các di vật và những mộ táng khai quật ở giai đoạn 1 đã được đưa về Bảo tàng tỉnh. Hiện các di vật và mộ táng khai quật trong giai đoạn 2 cũng sẽ tiến hành di dời đưa về bảo tàng tỉnh để bảo quản và tiến hành chỉnh lý nghiên cứu, phục dựng. Những vấn đề khoa học sẽ được làm rõ hơn qua kết quả chỉnh lý sau này.Việc phát hiện và khai quật khảo cổ hiện vật tại khu vực lòng hồ Nước Trong là hết sức quý hiếm, góp phần cho việc nghiên cứu khoa học về nền văn hoá Sa Huỳnh ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải tập trung bảo vệ hiện vật đã khai quật nhằm giải quyết cho việc trưng bày.

Để phát huy giá trị và ý nghĩa lịch sử văn hóa, Bảo tàng tỉnh đã xin UBND tỉnh cho chủ trương để xây dựng nhà trưng bày riêng nhằm trưng bày toàn bộ di sản văn hóa khảo cổ khai quật được tại khu vực thung lũng sông Tang, phục vụ cho nhu cầu tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài.

"Đây sẽ là đòn bẩy rất quan trọng trong việc phác thảo xây dựng Con đường di sản văn hóa Sa Huỳnh miền Trung, phục vụ cho việc bảo tồn, khai thác du lịch về di sản văn hóa Sa Huỳnh và các loại hình di sản văn hóa khác vào miền Trung Việt Nam. Nó sẽ là những sản phẩm du lịch tốt bên cạnh những sản phẩm du lịch vốn có của các địa phương, chắc chắn sẽ có sức hấp dẫn du khách, các nhà khoa học trong và ngoài nước", tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi khẳng định.



 Ngọc Đức
 


.