"Chiến hạm nổ tung" - sự hy sinh thầm lặng của các chiến sỹ điệp báo!

10:08, 23/08/2012
.

“Chiến hạm nổ tung” là bộ phim truyền hình dài 30 tập, tác giả kịch bản của nhà văn Nguyễn Xuân Hải dựa theo tiểu thuyết “Câu lạc bộ chính khách” của nhà văn Lê Tri Kỷ (1986). Đồng đạo diễn: đạo diễn Trần Chí Thành, đạo diễn NSƯT, Đại tá Khương Đức Thuận; Cố vấn nghệ thuật: đạo diễn Long Vân. Với sự tham gia của các diễn viên: Xuân Trường, Huệ Minh, Bùi Công Duy…

 

 



“Chiến hạm nổ tung” là bộ phim lịch sử, nói về chiến công đánh chiến hạm Amyot Dinville đóng tại khu vực Đông Dương lúc bấy giờ - gắn liền với Tổ điệp báo A13 (Công an Hà Nội) gồm các điệp báo viên Chu Duy Kính, Hoàng Đạo, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Thị Lợi. Hơn 60 năm trôi qua, cho dù một phần sự thật lịch sử đã được công bố, thì quanh sự kiện này vẫn còn bao trùm một màn sương mỏng.

 


Bối cảnh phim được xây dựng trong giai đoạn lịch sử, sau thất bại nặng nề ở Việt Bắc thu đông năm 1947, giặc Pháp đã ký với Bảo Đại hiệp ước 8-3-1949 để có ngọn cờ “quốc gia” trao chiêu bài độc lập giả hiệu nhằm kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Nhưng Bảo Đại và lũ bù nhìn đều đã nhẵn mặt tay sai nên Pháp phải hô hào các "nhà quốc gia” có uy tín về hợp tác để tô điểm thêm cho bộ mặt ngụy quyền. Lợi dụng thời cơ chính trị ấy, Nha công an Trung ương đã cử một tổ điệp viên do Văn Hoàng phụ trách, vào Hà Nội hoạt động tình báo dưới danh nghĩa một đảng quốc gia kháng chiến ma “Phục Việt quốc gia cách mạng đảng” (gọi tắt là Phục Việt).

Mưu trí và dũng cảm, các chiến sỹ điệp báo của ta không chỉ đứng vững trước những thử thách của mật vụ Pháp - ngụy, mà còn tiếp xúc với hàng ngũ Việt gian “có máu mặt” thời bấy giờ, khám phá ra thực chất và mưu đồ bí mật của mỗi tên, chuẩn bị điều kiện giành ngọn cờ quốc gia vào tay Phục Việt nhằm thực hiện nhiệm vụ điệp báo trong giai đoạn chiến lược mới sau thất bại của đội quân viễn chinh Pháp tại Việt Bắc.

 


Được cơ quan Phòng nhì của Pháp giới thiệu và chu cấp kinh phí,Văn Hoàng (trong vai thủ lĩnh Phục Việt) còn được đi Đà Lạt “tiếp kiến “quốc trưởng Bảo Đại và sau đó được Alếchxăngđri,Trung tướng, tư lệnh miền Bắc Đông Dương mời gặp trao đổi về chính kiến. Bằng cuộc gặp gỡ này, viên tướng Pháp khéo léo thăm dò một cuộc tấn công quy mô vào các tỉnh tự do (khu 4 cũ) của ta.

Qua những cuộc tiếp xúc với Văn Hoàng, không chỉ Bảo Đại và một số chính khách dưới quyền mà một số tướng lĩnh của quân viễn chinh Pháp đã từng bước đặt niềm tin vào lực lượng quốc gia kháng chiến mới là Phục Việt.

Tuy nhiên, trước khi chủ trương hợp tác với lực lượng này, Phòng Nhì Pháp đã bố trí một chính khách nội thành về chiến khu Phục Việt để tìm hiểu tình hình. Sau cuộc đón tiếp vị chính khách nội thành tại “chiến khu của mình” uy tín của Văn Hoàng và Phục Việt càng được nâng cao. Văn Hoàng được Bảo Đại trao chức “Quốc vụ khanh” trong chính quyền bù nhìn. Viên thư ký kiêm phiên dịch của Văn Hoàng là Trúc Lâm cũng được phong cấp Đại úy quân đội Liên hiệp Pháp.  

Trong khi thực dân Pháp loay hoay củng cố đội ngũ chính quyền bù nhìn đang rệu rã bằng cách tập hợp và lôi kéo các“ lực lượng quốc gia kháng chiến không cộng sản” thì ở các mặt trận, quân đội viễn chinh Pháp vẫn tiếp tục bị thất bại nặng nề. Đó cũng là một trong những lý do khiến Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp sốt sắng hợp tác với lực lượng của Phục Việt mở một cuộc tấn công vào vùng Thanh –Nghệ –Tĩnh, hậu phương lớn của Việt Minh. Tương kế tựu kế, cơ quan điệp báo của ta đã yêu cầu quân đội Pháp phải trang bị vũ khí, khí tài cho Phục Việt...

 


Đêm 26 rạng ngày 27/9/1950, sau khi bàn giao cho lực lượng Phục Việt số lượng lớn vũ khí, khí tài tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, trên đường tiếp tục cuộc hành trình, chiến hạm Amyot DInville đã bị nổ tung. Hàng trăm binh lính và sỹ quan Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí khí tài của quân xâm lược bị nhấn chìm xuống biển...

Việc đánh đắm chiến hạm của giặc Pháp, ngăn chặn cuộc tấn công của chúng vào căn cứ kháng chiến của ta là một trong những chiến công xuất sắc của tổ điệp báo do Văn Hoàng chỉ huy. Người ở lại chiến hạm địch cùng chiếc va ly đựng 30 kg thuốc nổ là nữ điệp báo xinh đẹp, một trong 3 nhân vật chính của bộ phim được xây dựng từ nguyên mẫu nữ anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Lợi...

 


Đạo diễn Long Vân, cố vấn nghệ thuật của phim “Chiến hạm nổ tung” chia sẻ, đây là một bộ phim lịch sử, vì vậy để có một bộ phim hoàn chỉnh được lên sóng là cả một sự nỗ lực hết sức của ê-kíp làm phim bởi tất cả việc phục dựng chi tiết lịch sử để làm phim đều rất khó khăn, phải giống như mấy chục năm về trước. Về mặt kỹ thuật, một cái khó nữa - rất chung đối người làm phim hiện nay khi làm phim đề tài lịch sử cách mạng - là tìm và dựng bối cảnh. Ngoài ra, yếu tố kinh phí cũng một lần nữa làm khó ê-kíp làm phim, nhất là kinh phí dành cho việc làm phim truyền hình hiện nay vẫn còn cách xa đối với nhu cầu làm phim lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng hết sức để làm một bộ phim đúng chất lịch sử về sự kiện đặc biệt này.  

Hy vọng, sau “Những đứa con của biệt động Sài Gòn”, khán giả lại tiếp tục được thưởng thức một bộ phim hay “Chiến hạm nổ tung”. Phim chính thức được trình chiếu vào 17h30 từ ngày 20/8 trên sóng HTV9.

 

Theo HNMO


.