Vĩnh biệt “Giấc mơ lớn” Trọng Khôi

09:03, 15/03/2012
.

Người ta hay gọi NSND Trọng Khôi là Nghị Hách, là Trương Ba..., những vai diễn “để đời” trong hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, đến giờ chưa có ai vượt qua. Nhưng, còn một cách hình dung khác, thật đúng với cá tính của ông, người nghệ sĩ dám mơ, dám sống với những giấc mơ lớn, không chỉ cho riêng mình…  
 

Nghệ sĩ Trọng Khôi (giữa) trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt.
Nghệ sĩ Trọng Khôi (giữa) trong vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

 

Nghệ sĩ nhân dân Trọng Khôi từ trần vào hồi 5h45 ngày 14.3 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 69 tuổi.

Vẫn nhớ, năm 2002, lần đầu tiên, liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, sau lưng người “cầm trịch” – NSND Trọng Khôi, đủ luồng ý kiến xôn xao. Dư luận chĩa vào ông nhiều nghi ngại: Sân khấu Việt Nam đang hồi lắt lay, nói gì đến thử nghiệm? Nhưng tới liên hoan Sân khâu thử nghiệm quốc tế lần II năm 2006 rồi liên hoan Sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần I năm 2008, không còn ai băn khoăn: “Thử nghiệm để làm gì?”. Sự quyết đoán và điềm tĩnh của ông, cùng những khán phòng đầy ắp, những buổi hội thảo chật kín, những tràng pháo tay rộn rã… đã nói lên tất cả, cũng khiến người ta “vỡ” ra nhiều điều về độ “chênh” của sân khấu Việt Nam so với thế giới, và cả về một khía cạnh rất mới trong con người Trọng Khôi, vị Chủ tịch hội Nghệ sĩ sân khấu lúc nào cũng bình dị, dễ tính, xởi lởi, và tưởng như, thích giữ trạng thái cân bằng hơn những cú bứt phá mạo hiểm, nhất là khi đã “về già”.

Mãi sau này, trong một câu chuyện khác, liên quan đến một “ý tưởng” cũng thuộc dạng “điên rồ” của ông, lần đầu tiên, mới nghe Trọng Khôi thổ lộ: “Phải dám mơ những giấc mơ lớn!”. Khi ấy, ở ngưỡng lục tuần, chàng Trương Ba đang mơ một giấc mơ dễ bị xem là viễn tưởng: Xây dựng một trung tâm nghệ thuật Quốc gia, tự hoạch toán thu chi, lấy kinh tế “nuôi” văn hóa cao cấp, và có những sân khấu, xét về quy mô, kiến trúc, có thể rút ngắn khoảng cách 20 năm tụt hậu so với các “cường quốc” sân khấu trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc… Đáng tiếc, đó có lẽ là một giấc mơ dang dở. Khi ý tưởng xây dựng trung tâm Nghệ thuật Quốc gia cùng nhiều dự định lớn lao khác cho sân khấu Việt Nam vừa được đưa vào “Đề án phát triển nghệ thuật biểu diễn 2010” thì NSND Trọng Khôi nghỉ hưu, một phần do sức khỏe của ông đã suy giảm quá rõ. Hầu hết các hạng mục trong “Đề án phát triển nghệ thuật biểu diễn 2010” sau đấy lại được chuyển sang “Đề án phát triển nghệ thuật biểu diễn 2020”, vì chưa thể, hoặc biết đâu là không dám triển khai.

Những năm tháng sau này, Trọng Khôi tận hưởng cuộc sống thong dong, thư thái bên con cháu. Thi thoảng, ông tham gia đóng phim. Nhưng ánh đèn sân khấu vẫn luôn chi phối mạnh mẽ cuộc sống của Trọng Khôi, theo cách này hay cách khác. Những lúc sức khỏe cho phép, ông lại tranh thủ viết sách, gửi gắm những kinh nghiệm làm nghề cho thế hệ sau. Thì trước đây, khi còn đương nhiệm, chẳng phải Trọng Khôi luôn quan tâm đến lớp trẻ đấy sao, và bằng những hành động cực kỳ thiết thực, chẳng hạn như khởi xướng hai cuộc liên hoan mang tính “đột phá”: Liên hoan tài năng trẻ sân khấu và đặc biệt, liên hoan các đạo diễn trẻ sân khấu. Lần đầu tiên, các đạo diễn sân khấu “trẻ”, phần lớn thuộc lứa “lỡ cỡ”, non tuổi nghề nhưng lại già tuổi đời có cơ hội thử sức, khẳng định mình. Cũng từ đấy, tâm lý ưu ái “Cây đa cây đề” bắt rễ lâu năm tại không ít đơn vị nghệ thuật dần bớt nặng nề.

Buồn lắm khi nghe tin, con người của những giấc mơ lớn ấy đã ra đi. Nhưng rồi tự an ủi mình, rằng ông đã chia tay cuộc đời một cách thanh thản, và mãn nguyện. Ừ thì ai cũng một lần chết, cũng đều về với cát bụi, nhưng chẳng phải ai cũng dám mơ những giấc mơ lớn, và dám biến giấc mơ lớn thành giấc mơ có thật, như ông!
 

Theo SGTT.VN
 


.