Khi tiếng chiêng cất lên…

09:11, 25/11/2011
.

(QNg)- Đồng bào Cor Quảng Ngãi từ bao đời nay luôn đắm say với điệu chiêng của dân tộc mình. Bởi vậy, dù ở bất cứ nơi đâu, khi tiếng chiêng cất lên thì mọi âm thanh khác đều im ắng nhường chỗ cho những thanh âm vốn là máu thịt, là hơi thở của người Cor…

*Lời của trái tim

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư số 5 thôn Trà Niêu, xã Trà Phong (Tây Trà) chật ních người từ tờ mờ sáng. Hôm nay ai cũng mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đẹp rực rỡ, khiến đại ngàn Tây Trà như bừng sáng hơn giữa ngày đông lạnh lẽo. Nhà văn hóa thôn - ngôi nhà chung của cộng đồng người Cor nơi đây bỗng sôi động hẳn khi "nữ già làng" - nghệ nhân Hồ Thị Lương giới thiệu đội văn nghệ của khu dân cư sẽ biểu diễn cồng chiêng mở màn ngày hội. Những chàng trai rắn rỏi, đóng khố, vai đeo chiêng, tay cầm dùi gõ nhịp "túc chiêng" không nguôi. Các cô gái váy áo, vòng đeo uốn lượn, nhịp nhàng đung đưa, lúng liếng nụ cười, ánh mắt. Bước nhảy điêu luyện, thanh thoát, bay bổng đắm mình của các chàng trai, cô gái Cor tạo nên sự hòa quyện cuốn hút lòng người đến lạ.
 
Biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư số 5, thôn Trà Niêu, xã Trà Phong (Tây Trà).
Biểu diễn cồng chiêng tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư số 5, thôn Trà Niêu, xã Trà Phong (Tây Trà).

Những thanh âm cồng chiêng rất đỗi quen thuộc nhưng hôm nay đã lại rạo rực, đưa người nghe đến với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau…Lúc thì vui nhộn, thúc giục, mời gọi  những bước chân gấp gáp đến với ngày hội để gặp gỡ bè bạn, thăm hỏi và thưởng thức văn hóa cồng chiêng. Khi lại du dương, mềm mại như ru vào lòng người thiết tha, chân thành, đắm say quyện vào hồn lữ khách ấn tượng đẹp nao lòng. Nao lòng nhất chắc hẳn sẽ là khúc chia ly, điệu chiêng vừa cất lên đã khiến người nghe như muốn khóc, bởi luyến tiếc, nhớ nhung hình bóng ai đó vừa kịp để lại trong tim chút tình mến khách.

Nghệ nhân Hồ Thị Lương bảo rằng: "Mỗi mùa lễ hội, trai gái trong làng lại có thêm cơ hội để xích lại gần nhau, tìm hiểu, se duyên. Rất nhiều bạn trẻ chỉ vì say những điệu chiêng, bước nhảy, khúc hát mà "say" nhau, nên vợ thành chồng, sinh con đẻ cái". Tiếng chiêng ở Trà Niêu còn được đồng bào coi như khúc hoan ca, điệu khải hoàn mà khi tấu lên là tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc tự nó sẽ trỗi dậy mãnh liệt.

Đó cũng chính là lý do vì sao ở Trà Niêu cồng chiêng những năm qua đã được chính đồng bào Cor nơi đây khôi phục trở lại -một sự trở lại hoành tráng, ngọt ngào và thú vị hơn bao giờ hết.

Già Hồ Văn Xía, thôn Trà Niêu vui kể rằng: "Có những giai đoạn cồng chiêng bị quên lãng. Ngày ấy, mình cứ nghĩ rằng tiếng chiêng sẽ mãi mãi không cất lên trên đại ngàn này nữa. Thế nhưng, như thể là máu thịt, cồng chiêng lại sống dậy, dạt dào, thiết tha, say đắm bao trái tim biết yêu quê hương, yêu nét đẹp văn hóa cồng chiêng của yêu dân tộc mình".

* Sánh vai với "làng văn hóa"

Ngày 18/11 vừa qua, lần đầu tiên Quảng Ngãi làm lễ xuất quân đưa đoàn nghệ nhân người Cor thôn 2 xã Trà Thuỷ tham gia các hoạt động tại Làng văn hoá - du lịch các dân tộc Việt Nam. Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng từ nhiều năm trước đây tại Đồng Mô - Sơn Tây (Hà Nội).

Đây là trung tâm hoạt động văn hoá mang tính quốc gia, một bảo tàng ngoài trời sống động, tái hiện, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt và nhân loại. Mang đến không gian văn hóa tại Làng văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam, các nghệ nhân thôn 2 xã Trà Thuỷ sẽ biểu diễn cồng chiêng, các làn điệu dân ca, trình diễn lễ hội ngã rạ. mỗi dân tộc sẽ được khôi phục một ngôi nhà, cùng các công cụ sản xuất, hoạt động thủ công mỹ nghệ, lễ hội, ca hát.

Đã từng nhiều lần ra mảnh đất ngàn năm văn hiến để biểu diễn cồng chiêng, nhưng nghệ nhân Hồ Văn An vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động trong chuyến đi này. Nghệ nhân Hồ Văn An nói: "Không phải chỉ là tiếng chiêng, mà lần đi này, người Cor làng mình còn mang theo cả giá trị văn hóa dân tộc mình đến làng văn hóa giao lưu với nhiều dân tộc anh em khác".

Gia đình ông có 4 đời đeo đuổi sự đam mê với cồng chiêng. Ông chẳng những hiểu thông, biết thạo các nghi thức lễ hội, các điệu chiêng dân tộc mình mà còn tích cực sưu tầm, biểu diễn, tạo ra sức lan tỏa của cồng chiêng. Khi tuổi càng cao thì tiếng chiêng của ông càng điêu luyện, thanh thoát. Mỗi lần nghe tiếng chiêng cất lên "ping poong” vang động khắp núi rừng là người dân trong làng lại nắm tay nhau cùng hát múa.

Chớm đông, biết ra Hà Nội trời sẽ se lạnh, 20 nghệ nhân thôn 2 Trà Thủy sắp xếp thêm quần áo ấm, nhưng tất thảy đều ưu tiên cho những chiếc váy áo, những chiếc chiêng, chuỗi vòng đeo cổ - vốn là "của quý" của đồng bào Cor. Về Thăng Long họ sẽ khoe những thanh âm mê hoặc của cồng chiêng Cor với các dân tộc anh em. Và ở đó, chắc rằng "khi tiếng chiêng cất lên", hòa vào âm thanh của các làn điệu khác, sẽ tạo nên những khúc tráng ca hùng vĩ của núi rừng Việt Nam.

THANH NHỊ

.