Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch):
Một người Quảng Ngãi trùng tu đền thờ Hùng Vương

06:04, 12/04/2011
.

(QNĐT)- Người Quảng Ngãi được vinh dự nhận lãnh trọng trách trùng tu khu đền thờ vua Hùng trên đỉnh núi thiêng Nghĩa Lĩnh cách nay 140 năm là Phó bảng Nguyễn Bá Nghi (1807 – 1870), một quan đại thần dưới triều vua Tự Đức.

Ông tên tự là Sư Phần, quê quán ở  làng Thời Phố (sau đổi là Lạc Phố), nay thuộc xã Đức Nhuận huyện Mộ Đức, là thân phụ của nhà yêu nước Nguyễn Bá Loan.
 
Nhà bia ở đền Hùng.
Nhà bia ở đền Hùng.

Nguyễn Bá Nghi đỗ Cử nhân năm Tân Mão (1831), đỗ Phó bảng năm Nhâm Thìn (1832), là người đỗ đại khoa đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Ông làm quan triều Nguyễn, từng giữ nhiều trọng trách: Khâm sai đại thần, Thượng thư, Tổng đốc, Kinh diên giảng quan, Cơ mật viện Đại thần…

Đường hoạn lộ của Nguyễn Bá Nghi kéo dài gần 40 năm, trải khắp ba miền Bắc, Trung, Nam; nhiều gian nan, ghập ghềnh nhưng lúc nào ông cũng thể hiện là một người mẫn cán, kiên nghị, giàu kiến văn, chuộng thực tiễn.

Nguyễn Bá Nghi từng được vua Tự Đức giao nhiệm vụ tổ chức trùng tu đền Quốc tổ Hùng Vương và là người vận động các nhà khoa mục, văn thân ở quê nhà xây dựng văn từ huyện Mộ Đức. Sư Phần thi văn tập, Ngự chế cổ kim thư pháp và Hành thiện bản ấp lịch triều đăng khoa lục là những trước tác của ông để lại cho đời sau.

Thời gian làm nhiệm vụ Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang), ông được vua Tự Đức giao nhiệm vụ trùng tu khu di tích Quốc tổ Hùng Vương (toạ lạc trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, xã Sơn Tây, nay thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), đồng thời chế định việc tế tự các vua Hùng. Dấu tích trùng tu thời Nguyễn Bá Nghi còn dấu vết đến nay rỗ nhất là ở đền Thượng và Lăng vua Hùng.

Đền Thượng, theo truyền thuyết, nguyên là miếu thờ Trời (Kính thiên lĩnh điện) và thần Núi, thần Lúa, do Vua Hùng thứ 6 lập ra cách nay hơn 3000 năm. Tổ tiên người Việt ta đã kiến thiết đền Thượng bằng vật liệu bằng tre gỗ lá kết hợp với cột đẽo bằng đá. Chiếc cột đá đặt trên bệ ở trước Đền Thượng chếch về phía tây chính là cột miếu cổ thời Hùng Vương, mà người ta thường giới thiệu là Cột đá thề của Thục Phán.
 
Đền Hạ.
Đền Hạ.

Các kiến trúc nối tiếp dưới thời Bắc thuộc có lẽ cũng bằng tre gỗ lá nên không còn vết tích. Sau khi giành lại được độc lập, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê xây dựng Đền Thượng bằng gạch ngói, và đặt chế độ miễn sưu thuế phu phen, tạp dịch, đi lính cho dân Hy Cương, để giao cho nhiệm vụ trông nom đền miếu, sửa chữa, cúng tế, gọi là dân Trưởng tạo lệ.

Sang triều Nguyễn, vua Tự Đức, sai Tổng đốc tam tuyên (kiêm quản 3 tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Tuyên Quang) Nguyễn Bá Nghi xây dựng lại Đền Thượng, và định chế độ đối với dân Trưởng tạo lệ là: giao cho 25 mẫu ruộng cấy lấy hoa lợi đèn hương, và đến kỳ giỗ Tổ thì cấp thêm 100 đồng bạc trắng để sửa cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn) cho quan lại của tỉnh về tế ở Đền Thượng.

Lăng Vua Hùng, là mộ Vua Hùng thứ 6. Thời nhà Lê vẫn giữ hình thức mộ đất, có mái lợp ngói tì lên 4 cột đá. Trong dịp sửa chữa lại Đền Thượng Nguyễn Bá Nghi cho xây mộ gạch và xây lăng miếu trùm lên khu mộ.

Công trình tu bổ đền Vua Hùng kéo dài đến năm 1874, tức là 4 năm sau ngày mất của Nguyễn Bá Nghi (1870), nhưng ý tưởng chính là do ông đề đạt và được vua Tự Đức chuẩn thuận.

Nguyễn Bá Nghi còn là người xướng xuất việc xây dựng Văn từ huyện Mộ Đức và lập Hội Khổng học ở huyện này. Văn từ huyện Mộ Đức xây dựng vào năm Tự Đức thứ 11 (1858) tại Văn Bân, nay thuộc xã Đức Chánh huyện Mộ Đức, dấu tích hiện còn lưu nơi sở tại, dù đã hư hại nhiều.

Với điển chế nghiêm ngặt dưới thời Tự Đức, việc lựa chọn một vị trọng thần có thực tài, kiến văn, đạo cao đức trọng để đảm nhận công việc quốc gia đại sự là trùng tu đền thờ Hùng Vương dĩ nhiên đã được nhà vua và đình thần cân nhắc rất kỷ. Vinh dự đó đã thuộc về Phó bảng Nguyễn Bá Nghi, người đỗ đại khoa đầu tiên của quê hương Quảng Ngãi.

                                                                                                                                      Lê Hồng Khánh

.