Trà Bồng Làm tốt công tác bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền

10:08, 27/08/2010
.

(QNg)- Trà Bồng nói chung, dân tộc Cor nói riêng có sự giao thoa văn hóa từ rất sớm với các dân tộc Kinh và Hoa thông qua việc buôn bán, trao đổi quế và nhiều loại hàng hoá khác. Thông qua việc buôn bán, người Cor sớm chắt lọc được những tinh tuý văn hóa của các dân tộc, đúc kết vào đời sống tâm linh của dân tộc mình, làm giàu thêm vốn văn hóa cổ truyền thông qua nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ, đặc biệt là nghệ thuật cồng chiêng.

Hòa nhịp vào cuộc sống ngày nay, cơ sở hạ tầng của huyện từng bước được đầu tư khang trang, điện, đường, trường, trạm dần mọc lên làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Trà Bồng. Đây là điều kiện văn hóa ngoại lai len lỏi vào đời sống cư dân miền núi. Người dân từng bước tiếp cận với văn hóa hiện đại và đã tác động nhất định đến tư duy, hành động của một bộ phận thanh niên.
 
Đánh cồng chiêng được xem là màn biểu diễn nghệ thuật chính trong các ngày hội lớn của các dân tộc miền núi.
Đánh cồng chiêng được xem là màn biểu diễn nghệ thuật chính trong các ngày hội lớn của các dân tộc miền núi.

"Nhiều thanh niên đã bị lôi kéo bởi cái văn hoá "hiện đại" mà quên đi bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Thậm chí có nhiều thanh niên vì hoàn cảnh khó khăn, nên đã đem bán đi những bộ cồng chiêng, những bộ cườm quý giá… của gia đình" - ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin Trà Bồng lo lắng nói. Phòng Văn hoá thông tin Trà Bồng đã sớm đưa ra Đề án Bảo tồn và Phát huy một số giá trị văn hoá Dân tộc Cor, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hoá, nhất là văn hoá vật thể và phi vật thể… Thực hiện đề án, từ năm 2008 Phòng Văn hoá và Thông tin đã tổ chức triển khai tại 2 xã Trà Sơn và Trà Hiệp, với nội dung truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ và nghệ thuật điêu khắc trên cây nêu và cây gurbla.

Đến nay Phòng đã tổ chức truyền dạy cho 17 đội văn nghệ cồng chiêng của 3 xã (Trà Sơn, Trà Thuỷ và Trà Hiệp) với 350 nghệ nhân, diễn viên; đầu tư 30 bộ cườm quý, 125 bộ xà bol, cadọp; xây dựng 12 nhà sinh hoạt cộng đồng theo môtíp nhà sàn truyền thống dân tộc Cor, với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Để phát huy những giá trị văn hóa vốn có cũng như giúp các thanh niên hiểu và tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình, nhiều năm qua huyện Trà Bồng luôn cố gắng tổ chức các ngày hội gắn với biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng.
 
Trong 5 năm, huyện đã tổ chức 2 lần Ngày hội văn hoá cồng chiêng cấp huyện thu hút trên 500 diễn viên, nghệ nhân tham gia; tổ chức 1 lần Ngày hội văn hoá cồng chiêng tại xã Trà Hiệp, thu hút trên 120 diễn viên, nghệ nhân tham gia; tổ chức 2 lần Hội diễn nghệ thuật quần chúng và kết hợp với các ban ngành, hội đoàn thể tổ chức 6 lần hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng phục vụ cho hàng nghìn lượt người tham gia…

Đến nay toàn huyện có 36 đội văn nghệ quần chúng, với trên 600 diễn viên. 28 đội nghệ thuật cồng chiêng với gần 500 diễn viên, nghệ nhân. Đặc biệt đội nghệ thuật cồng chiêng thôn II, xã Trà Thuỷ và thôn Bắc, xã Trà Sơn là hai đội điển hình thể hiện tinh hoa nghệ thuật vùng văn hoá của dân tộc Cor. Những bài chiêng thường sử dụng: Chiêng chào khách, Chiêng cưới, Chiêng đâm trâu, Chiêng cúng ông thần… tùy vào loại lễ hội mà người ta dùng các bài chiêng cho phù hợp.
 
Ghi nhận những kết quả đạt được, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ và các cấp ngành tặng nhiều bằng khen cho phong trào của Phòng Văn hoá và Thông tin Trà Bồng.

Bài, ảnh: Trịnh Phương

.