Tục cúng “thần lúa” của dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi

03:07, 02/07/2010
.

(QNg) - Dân tộc Hrê sinh sống chủ yếu ở các huyện Minh Long, Sơn Hà, Ba Tơ (Quảng Ngãi), huyện An Lão (Bình Định). Thời xưa, dân tộc Hrê thích làm nhà sàn ở nơi triền núi, hoặc nơi bằng phẳng. Họ sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng, làm rẫy, làm vườn…

Dân tộc Hrê coi ruộng, rẫy, vườn, trâu, chiêng, ché, nồi bảy, nồi bông là những tài sản quý giá. Trong đó, ruộng được coi là tài sản quý giá nhất. Họ có thể mua bán trao đổi bằng của cải vật chất khác, nhưng với đám ruộng là một việc hy hữu, bất đắc dĩ mới bán, trao đổi! Và trong quan niệm vạn vật hữu linh, lúa ruộng (lúa nước) họ cho là có nhiều vị thần linh nhất, cho nên việc cúng cho “thần lúa” cũng được tổ chức nhiều lần vào mùa vụ hè thu. Các tục cúng như: Hchôa: Cúng thần lúa nếp để làm bánh ngày Tết. Thời gian cúng khi lúa ngoài đồng gần trổ (khoảng tháng 7 – 8 âm lịch).
 
 Lễ cúng tạ ơn ông bà của đồng bào Hrê (Ba Tơ).
Lễ cúng tạ ơn ông bà của đồng bào Hrê (Ba Tơ).

Tục cúng này được tổ chức ngay tại đám ruộng, gọi là “Ruông Tanock” (đám ruộng do ông bà cha mẹ để lại cho con cái). Các lễ vật cúng gồm: Hai con gà (một trống, một mái), một chai rượu trắng, một ché rượu cần (ché nhỏ), thuốc lá, trầu cau, một ít gạo, muối… Khi cúng xong, chọn một góc trong đám ruộng có lúa tươi tốt nhất để rào khoanh lại cho kỹ, rồi hái một chùm trái muồng tuống (Plei crock) cắm vào đó, với ý nghĩa cầu mong cho vụ lúa có hạt tươi tốt như trái muồng tuống vậy.

- Noh caq: Cúng thần lúa trong chòi, hay còn gọi là cúng dọn lúa của năm cũ còn trong chòi để chuẩn bị đưa lúa mới vào chòi (kể cả có lúa hay không có lúa trong chòi cũng phải thực hiện thủ tục này). Thời gian cúng khi mùa lúa ngoài đồng gần chín đến mùa thu hoạch chừng vài ngày. Các lễ vật giống như cúng thần lúa nếp, nó chỉ khác là không rào, không có trái muồng tuống. Cúng xong, gia đình quét dọn sạch sẽ trong chòi lúa. Nếu còn lúa trong chòi thì đem cất trong nhà, hay cất một nơi khác (người Hrê rất kỵ để chung lúa của năm cũ và năm mới với nhau).

Caq mao niu: Cúng thần lúa mới (ăn lúa mới). Đây là một thủ tục cúng lớn nhất trong việc cúng các thần lúa. Địa điểm cúng được tổ chức một nơi gần đám ruộng của gia đình, có mời bà con họ hàng đến dự cúng. Tùy theo khả năng của gia đình có thể làm heo, hoặc vài con gà. Các lễ vật giống như cúng thần lúa trong chòi, nhưng về số lượng thì nhiều hơn. Trước khi tiến hành cúng, chủ hộ lấy ba sợi chỉ màu đen, đỏ, trắng buộc từ đám ruộng kéo đến chỗ bày biện cúng để cho thần lúa về dự cúng theo đường chỉ này. Cơm lúa mới được nấu trong nồi đồng loại nhỏ (tức nồi năm, không được nấu trong nồi khác). Tất cả mọi người dự cúng ăn cơm không được làm rơi rớt hột cơm, phải vui vẻ, no say… thì gia đình mới ưng ý. Khi tiệc tùng xong, người ta để lại một ít cơm trong nồi với cơm bị cháy dưới đáy nồi, rồi đập một quả trứng gà sống đổ lên cơm, đậy nắp lại, năm ngày sau chủ hộ mở xem, nếu cơm không bị mốc meo thì họ cho rằng năm đó gia đình làm ăn được, mọi người trong gia đình có nhiều sức khỏe…

Tục cúng các “thần lúa” là một nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Hrê, nó thể hiện sự tôn kính, biết yêu quý đối với hạt thóc. Tuy nhiên, hiện nay phong tục này họ không còn giữ nữa, chỉ được nghe qua lời kể của những người già mà thôi.
   
Minh Đát

.