Văn hóa và du lịch

02:04, 09/04/2010
.

(QNĐT) - Ở Quảng Ngãi có ngôi chùa cổ mang tên Thiên Ấn được xây dựng cách nay cũng đã trên 300 năm. Cùng với mộ nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc trên đỉnh núi này, chùa Thiên Ấn được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Thế nhưng mỗi năm ghé thăm chùa mà một lần thấy chùa khác đi nhiều quá.

Các di tích văn hóa, lịch sử  thường là những địa chỉ thu hút khách du lịch. Du khách đến những nơi này không chỉ là để thưởng lãm các công trình kiến trúc của tiền nhân mà còn để chiêm bái những giá trị tinh thần có tính vĩnh cửu  trước thời gian nữa. Vì vậy, mọi sự can thiệp của hậu thế vào các công trình kiến trúc nằm trong các di tích đó đều phải hết sức cẩn trọng và cân nhắc. Rất tiếc là, suốt trong một thời gian dài, các cấp quản lý văn hóa gần như không mấy để tâm đến sự can thiệp đó mà chỉ chăm chắm vào việc thu tiền của du khách.

Mới đây, dư luận rất bất bình trước việc trùng tu một số chùa chiền ở Thành phố Hồ Chí Minh, mà những ngôi chùa đó là bằng chứng lưu dấu quá trình Nam tiến của tổ tiên cách nay những 300 năm.

Động cơ của những người “làm mới” những ngôi chùa này là thiện tâm, song sự thiện tâm đó lại không theo các quy luật của trùng tu di tích đã dẫn đến những phản cảm.

Vì sao khi tham gia trùng tu các tháp Chăm ở Bình Định, các kiến trúc sư Ba Lan đã không xây lại những vị trí kiến trúc trong tháp đã bị thời gian đánh mất mà họ chỉ xây một khối vuông có tính tượng trưng, để nhắc nhở với những ai đến tham quan tháp rằng ở vị trí đó có một vật kiến trúc bị mất đi nhưng họ chưa chắc chắn lắm ở vị trí ấy, trước đây nó là cái gì?

Còn với ta, chỉ cần “đoán mò” ở vị trí đó là con voi đá hay đầu sư tử chẳng hạn là y rằng “làm ngay” một linh vật mà mình suy đoán rồi lắp vào chỗ trống đó. Làm như thế là “đánh lừa” người xem, thậm chí “đành lừa” các thế hệ mai sau nữa.

Chính sự trùng tu các di tích theo cảm tính như vậy đã khiến cho nhiều du khách, nhất là những người có hiểu biết ít nhiều về lịch sử các di tích rất khó chịu. Còn các du khách ngoại quốc sành sõi về lịch sử thì họ chỉ đến một lần, sau khi chứng kiến sự phản cảm đó là họ đi luôn, không bao giờ quay lại nữa.

Ở Quảng Ngãi có ngôi chùa cổ mang tên Thiên Ấn được xây dựng cách nay cũng đã trên 300 năm. Cùng với mộ nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng tọa lạc trên đỉnh núi này, chùa Thiên Ấn được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Thế nhưng mỗi năm ghé thăm chùa mà một lần thấy chùa khác đi nhiều quá. Hầu như mạnh ai nấy trùng tu, sửa tường rào cổng ngõ của chùa theo cách của mình, theo đồng tiền của mình bỏ ra.

Đó là chưa kể ở cạnh chùa người ta làm hàng loạt các con vật như hươu, nai, hổ, voi để du khách chụp ảnh lưu niệm trông rất lôm nhôm, chẳng còn là chỗ linh thiêng nữa. Tượng Phật Bà Quan âm cũng thế, có cảm giác như thấy chỗ đất nào của chùa còn trống là người ta xây lên một “công trình” theo cách nghĩ của mình. Vì vậy, nhìn toàn cảnh ngôi chùa là một mớ bòng bong hỗn độn, chẳng ra ngô ra khoai gì cả.

Ai đặt chân đến đất Quảng Ngãi cũng đều muốn một lần ngược núi Thiên Ấn để viếng mộ cụ Huỳnh và xem ngôi chùa cổ với nhiều huyền tích, song sự can thiệp không theo một quy cách nào cả trong việc xây dựng các công trình kiến trúc trong ngôi chùa này đã làm bao du khách nản lòng và chùn chân.

Đúng là đất của nhà chùa thì họ có quyền trùng tu, xây dựng, song đây là di tích quốc gia thì mọi sự xây dựng tại đây đều phải đặt trong sự giám sát về mặt thẩm mỹ của cơ quan chức năng. Có như vậy thì ngôi chùa mới thật sự là nơi linh thiêng để mọi người tìm một chút tịnh tâm cho mình mỗi khi lên đây vãn cảnh.

Trừ Khu chứng tích Sơn Mỹ là còn bán vé, còn hầu hết các điểm di tích ở Quảng Ngãi đều miễn phí cho khách tham quan. Tuy nhiên, không phải vì “biếu không” mà trùng tu, tôn tạo các điểm tham quan như thế nào cũng được.

Kéo chân du khách về với tỉnh không chỉ để bán vé tham quan mà chính là để giới thiệu một khuôn mặt với đầy đủ các đường nét của tỉnh nhà. Khoản thu lớn nhất là những hảo cảm mà sẽ dành cho chúng ta nếu chúng ta không đối xử với các công trình văn hóa một cách thô thiển.

TRẦN ĐĂNG

.