Văn hoá Sa Huỳnh: Nhìn từ một cuộc hội thảo khoa học quốc tế

04:07, 26/07/2009
.
(QNĐT)- Hội thảo lần nầy vừa giúp đưa ra một cái nhìn tổng quan về quá trình 100 năm phát hiện, nghiên cứu Văn hoá Sa Huỳnh, đồng thời tiếp tục nghiên cứu cũng như khai thác những giá trị quý báu của nó nhằm phục vụ lợi ích nhân loại hôm nay và mai sau.

Hài cốt người Sa Huỳnh và vật tuỳ táng.
Hài cốt người Sa Huỳnh và vật tuỳ táng.
Mấy dòng thông báo ngắn của nhà khảo cổ học nghiệp dư người Pháp M.Vinet trên tập san của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) năm 1909 về việc “Phát hiện một kho chum gốm có khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu trong một cồn cát vùng ven biển Sa Huỳnh” (nay thuộc 2 xã Phổ Thạnh và Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã trở thành thông tin mở đầu, báo hiệu cho quá trình phát hiện, tìm kiếm, nghiên cứu kéo dài cho đến nay đã tròn 100 năm, về một trong những nền văn hóa cổ xưa của nhân loại, tồn tại cách chúng ta 2.000 đến 3.000 năm, để lại dấu ấn khắp vùng ven biển miền Trung, kể cả các đảo ven bờ, kéo dài đến tận Đông Nam bộ, ngược lên Tây Nguyên, băng qua biên giới phía Tây, đến tận Cánh đồng Chum ở vùng Thượng Lào. Nền văn hóa đó được giới khảo cổ học thống nhất định danh là “Văn hóa Sa Huỳnh”, theo địa danh mà M.Vinet đã phát hiện những mộ chum.

Mộ vò tìm thấy ở Di chỉ Suối Chình (Lý Sơn).
Mộ vò tìm thấy ở Di chỉ Suối Chình (Lý Sơn).
Cuộc Hội thảo khoa học quốc tế "100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh" do Bộ VH, TT& DL và UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng tổ chức trong các ngày từ 22 đến 24/7 tại Quảng Ngãi có sự hiện diện của gần 150 đại biểu, trong đó có 15 đại biểu là các nhà khoa học nước ngoài đến từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong thời gian hội thảo, các nhà khoa học được Ban tổ chức tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động như khảo sát các di chỉ văn hoá Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh tại các địa điểm Long Thạnh, Phú Khương, Thạnh Đức (thuộc khu vực Sa Huỳnh), suối Chình, xóm Cồn (huyện đảo Lý Sơn); tìm hiểu, nghiên cứu  các hiện vật về văn hoá Sa Huỳnh do Bảo tàng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và nhà sưu tầm Lâm Zu Xên (Quảng Ngãi) giới thiệu tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi.

Trọng tâm của hội thảo là những thông tin về văn hóa Sa Huỳnh và những vấn đề liên quan được đề cập đến trong 47 tham luận (15 tham luận của các nhà khoa học nước ngoài, 42 tham luận của các nhà khoa học trong nước) trình bày tại hội thảo.
Sau 100 năm kể từ ngày phát hiện, những cuộc khai quật khảo cổ học, những công trình nghiên cứu về văn hoá Sa Huỳnh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã góp phần dựng lên được diện mạo cơ bản của một nền văn hoá bị chìm khuất sau nhiều ngàn năm; phân tích, đánh giá và so sánh giữa Văn hoá Sa Huỳnh với các khu vực văn hoá khác trong vùng lãnh thổ Việt Nam như Văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc, Văn hoá Óc Eo ở phía Nam; xem xét văn hoá Sa Huỳnh trong mối tương quan với các văn hoá khác ở Đông Nam Á như sự tương quan giữa gốm Sa Huỳnh và loại hình gốm Kanalay (Philippines).

Các nhà khoa học tìm hiểu về hiện vật Văn hoá Sa Huỳnh tại Bảo tàng Quảng Ngãi.
Các nhà khoa học tìm hiểu về hiện vật Văn hoá Sa Huỳnh tại Bảo tàng Quảng Ngãi.
Được coi là một trong ba trung tâm văn hoá hết sức quan trọng trong thời đại sắt thuộc nền văn minh kim khí ở Việt Nam, Văn hoá Sa Huỳnh, với các di chỉ ở Quảng Ngãi là trung tâm, có ảnh hưởng khá rộng lớn, về phía Bắc tới địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với địa điểm Bãi Cọi (vừa được khai quật), về phía Nam là các tỉnh miền Đông Nam Bộ: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, ngược lên cao nguyên phía Tây là các di chỉ ở Gia Lai, Buôn Mê Thuột, xa hơn, theo nhà khảo cổ học Madeleine Colani khi so sánh, liên hệ Chum Bang Ang (Bắc Lào) mà bà tìm được, với chum Sa Huỳnh và chum trên những đồi bắc Cachar, vùng Assam (Ấn Độ) và cho rằng cả ba di tích thuộc "đường dây" người buôn muối từ Sa Huỳnh qua bắc Lào, lên đến bắc Cachar. Đây chính là nội dung được đề cập nhiều nhất trong các tham luận gởi đến hội thảo.

Một nội dung khác của nghiên cứu Văn hoá Sa Huỳnh, đó là vấn đề nhân chủng và lịch sử tộc người; sự phát triển của Văn hoá Sa Huỳnh trong phạm vi vùng lãnh thổ nước ta. Xa hơn nữa là những vấn đề liên quan đến những phát hiện về Sa Huỳnh sớm (hay tiền Sa Huỳnh) và hậu Sa Huỳnh trong mối liên hệ với Văn hoá Champa, với vùng văn hoá Tây Nguyên thời tiền sử, sơ sử, cũng như sau này...

Bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, là những mối giao lưu văn hoá, thương mại với các văn hoá khác trong vùng Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào... Và tất nhiên, các nhà khoa học cũng hướng sự chú ý đến những hiện vật thu được từ các mộ táng (mộ đất, mộ nồi, mộ vò và đồ tuỳ táng) một minh chứng quan trọng để tìm hiểu sự phân hoá giàu nghèo, tiền đề của sự phân hoá xã hội dẫn đến sự ra đời của một nhà nước sơ khai.

Mặt khác, vấn đề bảo tồn, phát huy các di tích văn hoá liên quan đến Văn hoá Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi nói riêng, các tỉnh miền Trung nói chung cũng là một mối quan chú đáng kể. Trong một tương lai gần, Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam sẽ ra đời? Làm sao để Văn hóa Sa Huỳnh được thể hiện như nó vốn có, bên cạnh những nền văn hóa như Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Óc Eo trong Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam? Vấn đề bảo tồn các di chỉ đã được khai quật của Văn hóa Sa Huỳnh sẽ được giải quyết như thế nào? Các di chỉ Văn hoá Sa Huỳnh xuát hiện từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận, nhiều nhất là ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định với hàng chục di chỉ ở mỗi tỉnh. Làm sao bảo tồn được các di tích này trong khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, nguồn kinh phí đầu tư cho việc bảo tồn di sản văn hoá, chưa phải được như chúng ta mong muốn.

Về vấn đề phát huy giá trị di tích Văn hóa Sa Huỳnh một câu hỏi lớn đặt ra cho các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu và toàn xã hội là: Làm sao để những dấu ấn, những hiện vật  của một nền văn minh huy hoàng rực rỡ trong quá khứ có thể trở thành tài sản văn hoá, góp phần hữu hiệu cho việc phát triển kinh tế xã hội  nói chung, ngành du lịch nói riêng?

Hội thảo lần nầy vừa giúp đưa ra một cái nhìn tổng quan về quá trình 100 năm phát hiện, nghiên cứu Văn hoá Sa Huỳnh, đồng thời, và quan trọng hơn, là đặt ra những vấn đề quan trọng, cấp thiết để tiếp tục nghiên cứu cũng như khai thác những giá trị quý báu của nó nhằm phục vụ lợi ích nhân loại hôm nay và mai sau.
                                                                               Bài, ảnh: Lê Hồng Khánh

.