3 phương thức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ

08:09, 06/09/2021
.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, thay thế Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Về tổng thể, Quy chế thực hiện tinh thần nâng cao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo (CSĐT) theo Luật Giáo dục đại học (đã sửa đổi, bổ sung năm 2018 - sau đây gọi là Luật GDĐH). Quy chế gồm các quy định khung và yêu cầu CSĐT quy định cụ thể các nội dung bằng hoặc cao hơn Quy chế này.
 
CSĐT phải thực hiện trách nhiệm giải trình, thường xuyên cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và công khai, minh bạch để xã hội cùng các bên liên quan giám sát. Trước khi tổ chức tuyển sinh và đào tạo, CSĐT công khai Quy chế của trường; quyết định mở ngành đào tạo; điều kiện bảo đảm chất lượng và thông tin khác.
 
CSĐT cập nhật thường xuyên và công khai số lượng học viên trúng tuyển, đang học, thôi học và tốt nghiệp theo từng khóa, từng ngành, chương trình đào tạo (CTĐT), hình thức đào tạo; kế hoạch giảng dạy, thời khóa biểu từng lớp; tên đề tài và tóm tắt nội dung các luận văn, đề án có thông tin học viên, người hướng dẫn và ngày bảo vệ (trừ đề tài thuộc lĩnh vực bảo mật thực hiện theo quy định của Nhà nước), để xã hội và các bên liên quan giám sát.
 
Quy chế này liên kết chặt chẽ với các văn bản liên quan do Bộ GDĐT ban hành năm 2021 và liên thông giữa các trình độ của giáo dục đại học (GDĐH) như: Thông tư quy định chuẩn chương trình đào tạo, Quy chế đào tạo trình độ đại học, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ.
 
3 phương thức tuyển sinh
 
Quy chế quy định khung, ngắn gọn; ứng viên dự tuyển phải bảo đảm yêu cầu đầu vào theo Thông tư quy định chuẩn chương trình đào tạo.
 
Thực hiện Luật GDĐH, Quy chế bổ sung phương thức tuyển sinh và giao CSĐT quy định cụ thể các phương thức trên nguyên tắc bảo đảm đánh giá công bằng, khách quan và trung thực. CSĐT quyết định tuyển sinh theo 3 phương thức: Thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
 
Để tuyển sinh không bị gián đoạn do dịch bệnh hay trường hợp bất khả kháng khác, Quy chế cho phép thi tuyển theo hình thức trực tuyến khi đáp ứng điều kiện bảo đảm chất lượng để kết quả đánh giá tin cậy, công bằng như với tuyển sinh trực tiếp.
 
Quy chế còn quy định về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ tạo điều kiện để liên thông giữa các trình độ GDĐH, trao đổi học thuật trong nước và với nước ngoài; tạo điều kiện cho CSĐT xây dựng CTĐT ở các trình độ GDĐH liên thông với trình độ thạc sĩ;… Điều kiện, tiêu chí đánh giá, quy trình do Quy chế của CSĐT quy định chi tiết. Điểm mới này được đánh giá phù hợp, linh hoạt và tiết kiệm thời gian cho sinh viên có thành tích học tập vượt trội.
 
Để đảm bảo trách nhiệm giải trình và ứng viên có sự chuẩn bị, CSĐT phải công khai danh mục ngành phù hợp với người học đã tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) cho từng CTĐT.
 
Công khai kế hoạch giảng dạy và học tập
 
Về địa điểm, thực hiện Điều 37 Luật GDĐH, Quy chế chỉ cho phép đào tạo thạc sĩ tại trụ sở chính hoặc phân hiệu của CSĐT. Thực hành, thực tập, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế được tổ chức ngoài CSĐT không quá 20% khối lượng CTĐT (trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe đào tạo tại các cơ sở y tế theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP của Chính phủ và của CTĐT cụ thể).
 
Quy chế bổ sung hình thức vừa làm vừa học cho chương trình định hướng ứng dụng. Thời gian đào tạo toàn khóa học của hình thức vừa học vừa làm phải dài hơn ít nhất 20% so với hình thức chính quy của cùng CTĐT.
 
Quản lý tổ chức đào tạo chặt chẽ và tránh học dồn bất hợp lý, Quy chế yêu cầu CSĐT công khai kế hoạch giảng dạy và học tập; những học phần trong CTĐT được bố trí đều trong các tuần của học kỳ. Trường hợp cần phải xếp lịch học tập trung thời gian, số giờ giảng với mỗi học phần không được vượt 15 giờ trong một tuần và 4 giờ trong một ngày. Trong một năm học, học viên được đăng ký tối đa 45 tín chỉ với hình thức chính quy và không quá 30 tín chỉ với hình thức vừa làm vừa học.­­­
 
Về tổ chức đào tạo theo phương thức trực tuyến, Quy chế cho phép đào tạo trực tuyến không quá 30% khối lượng tín chỉ của CTĐT. Quy định này xuyên suốt và nhất quán với quy chế đào tạo trình độ đại học và tiến sĩ đã ban hành.
 
Nhất quán với quy chế đào tạo trình độ đại học, Quy chế này cũng cho phép đánh giá trực tuyến với điều kiện bảo đảm tin cậy, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đóng góp không quá 50% trong số điểm học phần.
 
Tăng cường liêm chính học thuật
 
Học viên chương trình định hướng nghiên cứu hoàn thành luận văn; học viên chương trình định hướng ứng dụng hoàn thành học phần tốt nghiệp thể hiện bởi đề án, đồ án, dự án (gọi chung là đề án).
 
Người hướng dẫn có trình độ tiến sĩ trở lên, chuyên môn phù hợp với ngành đào tạo và đề tài luận văn của học viên. Một trong hai người hướng dẫn phải là giảng viên cơ hữu của CSĐT. Tại một thời điểm, một người hướng dẫn tối đa 5 học viên.
 
Với luận văn, đề án, CSĐT quy định về nội dung, cấu trúc, hình thức và liêm chính học thuật. Trong đó, phải tăng cường liêm chính học thuật; bảo đảm tính trung thực; kiểm soát việc chống sao chép; thiết lập chế tài, xử lý nghiêm vi phạm.
 
Chuẩn đầu ra ngoại ngữ thực hiện theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Học viên phải đạt trình độ ngoại ngữ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, minh chứng bằng văn bằng, chứng chỉ. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng một số CSĐT tự đánh giá chưa nghiêm túc; chưa đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn đề thi, giám khảo và quy trình tổ chức thi, đánh giá.
 
Thông tư 23 có hiệu lực thi hành từ 15/10/2021.
 
Theo Lan Phương/Chinhphu.vn

.