Chuẩn bị bước vào năm học mới

03:08, 27/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo kế hoạch, hơn 2 tuần nữa, học sinh trong tỉnh sẽ bước vào năm học 2021 - 2022. Đến nay, việc cung ứng sách giáo khoa (SGK) đã đảm bảo. Riêng các trường thì gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ năm học mới.
[links()]
 
Không lo thiếu sách giáo khoa
 
Năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) và thay SGK mới đối với khối lớp 2 và 6. Có 3 bộ sách được lựa chọn với nhiều đầu sách khác nhau. Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho biết, Quảng Ngãi chủ yếu lựa chọn SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB). Vì vậy, phần lớn SGK được chi nhánh của NXB tại TP.Đà Nẵng cung cấp qua Công ty CP Sách - Thiết bị Quảng Ngãi. Sở GD&ĐT đã thống kê từng đầu sách, số lượng sách gửi NXB. Vì vậy, các phụ huynh học sinh có con học lớp 2 và 6 không phải quá lo lắng về việc thiếu SGK.
 
Nhóm trẻ tư thục Ngôi Sao Nhỏ, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) đã sẵn sàng đón trẻ đến trường.
Nhóm trẻ tư thục Ngôi Sao Nhỏ, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) đã sẵn sàng đón trẻ đến trường.
Theo phản ánh của các NXB và đơn vị phát hành sách, khoảng 95% SGK đã về các địa phương. Song việc vận chuyển sách từ kho công ty phát hành về huyện, xã, các trường... đang gặp khó khăn, nhất là về các địa phương thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Nhằm giúp học sinh vùng dịch, nơi thực hiện giãn cách xã hội có SGK, Công ty Fahasa đã khởi động chương trình mang SGK và đồ dùng học tập đến từng nhà học sinh trên khắp cả nước. 
 
Theo cửa hàng trưởng Nhà sách Fahasa Quảng Ngãi Dương Cảnh Duy, nhà sách đã sớm có phương án và tính toán lượng SGK cung ứng cho thị trường. Nhà sách hiện có đầy đủ các đầu sách phục vụ nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Khách hàng có thể mua hàng trực tuyến trên website của công ty, hoặc liên hệ trực tiếp với cửa hàng qua Zalo, điện thoại để được tư vấn, hỗ trợ.
 
Hiện các nhà sách trên địa bàn tỉnh cũng nhập về lượng SGK đảm bảo phục vụ cho năm học mới. Khi mua SGK cho con, phụ huynh cần lưu ý, đối với lớp 1, phụ huynh mua sách theo trường nơi trẻ học; lớp 2 và 6 mua SGK theo Chương trình GDPT mới. Các khối lớp còn lại vẫn sử dụng SGK đã chọn lâu nay.
 
Đầu tư cho cơ sở vật chất
 
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điền An (Tư Nghĩa) Đinh Duy Tính cho biết, năm nay, huyện đã phân bổ cho trường 800 triệu đồng thi công tường rào cổng ngõ, nhà để xe cho học sinh và giáo viên. Nhà trường sử dụng số tiền trên 60 triệu đồng từ nguồn kinh phí tự chủ và huy động từ phụ huynh học sinh để quét vôi lại dãy nhà hiệu bộ, làm giá sách cho 15 lớp học và làm khu trải nghiệm cho học sinh... Ngoài ra, để đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới, nhà trường ưu tiên cơ sở vật chất, phân công giáo viên có tâm và tầm đảm nhiệm giảng dạy khối lớp 2 và 6.
 
Năm học mới này, UBND huyện Tư Nghĩa phân bổ 2,7 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, xây mới 4 trường học là Mầm non Nghĩa Thương, Mầm non Nghĩa Hiệp, Tiểu học Nghĩa Thương và THCS thị trấn Sông Vệ.  Ngoài ra, UBND huyện cũng phân bổ kinh phí sửa chữa các trường học chịu ảnh hưởng do bão số 9 năm 2020 gây ra.
 
Nhiều trường học tại các huyện miền núi, hải đảo cũng đang khẩn trương trang bị cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu của  Chương trình GDPT mới nói riêng và năm học mới nói chung. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lý Sơn Phan Văn Thảo, năm nay, Lý Sơn đón hơn 4.500 học sinh từ mầm non đến THCS. Đến nay, các trường trên địa bàn huyện đã sẵn sàng triển khai nhiệm vụ năm học mới theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT và UBND huyện.
 
Tại TP.Quảng Ngãi, các trường đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục từ nguồn vốn năm 2020 chuyển sang, với tổng kinh phí thực hiện gần 38,3 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục triển khai các hạng mục công trình chống xuống cấp năm 2021, với tổng đầu tư 8,7 tỷ đồng; mua sắm thiết bị và lắp đặt hệ thống camera ở cơ sở giáo dục với kinh phí 6 tỷ đồng.
 
Năm 2021, UBND tỉnh phân bổ cho Sở GD&ĐT gần 556 tỷ đồng; trong đó, nguồn kinh phí sự nghiệp gần 547 tỷ đồng. Từ đó, Sở GD&ĐT đã phân bổ cho các đơn vị trực thuộc kinh phí thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, với số tiền gần 389 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh đã cho chủ trương cải tạo, sửa chữa, bảo trì, nâng cấp mở rộng cơ sở vật chất tại các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT. Bên cạnh đó, việc mua sắm tài sản, thiết bị dạy học thực hiện đúng tiến độ đề ra...
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 

.