Lớp học ngoài nhà trường

08:04, 16/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPTM) chú trọng đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa ở các trường phổ thông, nhất là lồng ghép Chương trình Giáo dục địa phương (GDĐP) vào hoạt động trải nghiệm, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
[links()]
Những năm gần đây, nhiều trường học ở Quảng Ngãi đã phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức các “lớp học ngoài nhà trường”. Nhiều học sinh tỏ ra thích thú khi đi thực tế tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử...
 
Bài học sinh động
 
Trong đổi mới giáo dục, việc xây dựng Chương trình GDĐP dựa trên chương trình khung của Bộ GD&ĐT, song mỗi địa phương vẫn được xây dựng chương trình mang tính đặt trưng vùng miền. Quảng Ngãi hiện đã hoàn thiện bộ tài liệu GDĐP cho học sinh lớp 1. Việc này đã đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới GDĐP. Khi triển khai giảng dạy bộ tài liệu GDĐP, các cơ sở giáo dục đã tiến hành lồng ghép vào chương trình tổng thể, đặc biệt là lồng ghép Chương trình GDĐP vào hoạt động trải nghiệm. 
Học sinh các trường học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi hát Quốc ca tại Đền thờ Anh hùng Trương Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: KN
Học sinh các trường học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi hát Quốc ca tại Đền thờ Anh hùng Trương Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: KN
Ngoài việc học trên lớp, trong trường, học sinh còn được tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các em sẽ có cơ hội quan sát, tìm hiểu những đặc điểm, nét độc đáo từng điểm đến, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước. Hoạt động trải nghiệm sẽ tạo cho các em tinh thần đoàn kết, tự lập và có thêm các kỹ năng mềm cần thiết.
 
Cô Nguyễn Thị Minh Hảo - Giáo viên chủ nhiệm lớp 2D, Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cho hay: “Trải nghiệm là hoạt động rất quan trọng đối với các em trong quá trình học tập, nhất là các em trong độ tuổi thích khám phá những điều mới mẻ xung quanh mình. Việc tổ chức hoạt động trải nghiệm không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức, mà còn hình thành các kỹ năng cho các em”.
 
Trải nghiệm an toàn
 
Hiện nay, Trường Tiểu học Chánh Lộ đang phối hợp với đơn vị lữ hành tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Các điểm đến được lựa chọn phù hợp với độ tuổi, khối lớp để học sinh vừa vui chơi, vừa học tập. 
Học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Học sinh Trường Tiểu học Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Phụng, phụ huynh cháu Võ Chí Công, lớp 2D, Trường Tiểu học Chánh Lộ bộc bạch: “Tôi luôn ủng hộ việc cháu tham gia các hoạt động để có sự trải nghiệm. Qua mỗi lần đi, con mình như trưởng thành hơn, mạnh dạn hơn trong sinh hoạt tập thể, biết kết nối, chia sẻ với bạn bè. Đặc biệt, cháu được bồi đắp tình yêu quê hương thông qua chuyến trải nghiệm”.
 
Khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giáo viên đã bàn bạc với ban đại diện phụ huynh học sinh để lên kế hoạch cụ thể, chi tiết. Sau khi ban giám hiệu nhà trường duyệt kế hoạch, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với công ty lữ hành tổ chức hoạt động trải nghiệm với tiêu chí an toàn, hiệu quả. Những phụ huynh có điều kiện về thời gian cũng đăng ký tham gia cùng con, tạo sự gắn kết giữa ba mẹ và con cái”.
 
Nếu như đến với Mỹ Khê học sinh được thỏa sức vui chơi tìm hiểu về cảnh đẹp thiên nhiên và thưởng thức những món ăn đặc trưng vùng biển, thì đến với Khu chứng tích Sơn Mỹ, trẻ trầm lắng về một câu chuyện đau thương, đầy cảm xúc để từ đó khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi em... 
 
Hoạt động trải nghiệm là một phần trong đổi mới phương thức dạy học, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chuyển từ học nặng về truyền thụ kiến thức sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất đối với người học mà mục tiêu của Chương trình GDPTM đã đề ra.
Tạo hứng thú cho học sinh
 
Theo Phó Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền (Bảo tàng Tổng hợp tỉnh) Phan Thị Nữ, trong những năm gần đây, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến tham quan thực tế tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Thuyết minh viên chủ động nắm bắt phân ra các đối tượng để thuyết minh. Đối với bậc tiểu học, thuyết minh viên chủ yếu giới thiệu các hiện vật mà trẻ hay tò mò; đồng thời sử dụng những từ ngữ đơn giản cho trẻ dễ hiểu; tổ chức cho trẻ vui chơi, trả lời câu hỏi để tạo sự thích thú trong trẻ...
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 
 
 
 

.