Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

04:03, 22/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh (Đề án) đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng cao.
[links()]
Linh động trong giảng dạy
 
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng (Sơn Tây) Nguyễn Minh Anh cho hay: Việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh (HS) mầm non và tiểu học là người dân tộc thiểu số đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Học sinh lớp 1 thường khó khăn trong việc sử dụng tiếng Việt. Do vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đã phân công giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy khối lớp 1. Những năm học trước, giáo viên tăng cường dạy tiếng Việt cho HS chuẩn bị lên lớp 1 trong dịp hè. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhà trường tăng cường tiếng Việt cho HS trong thời gian học chính thức.  
Giáo viên Trường Mầm non Ba Khâm (Ba Tơ) dạy tiếng Việt cho học sinh qua các hoạt động gần gũi, dễ hiểu.
Giáo viên Trường Mầm non Ba Khâm (Ba Tơ) dạy tiếng Việt cho học sinh qua các hoạt động gần gũi, dễ hiểu.
Cô giáo Phan Thị Minh Cẩm, dạy lớp 1 tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng cho biết: Vào lớp 1, các em được học sách Tập nói tiếng Việt cho HS  trước tuổi đến trường thuộc Đề án, với 60 bài học. Trong quá trình dạy, giáo viên linh động tăng số tiết để các em nói rõ tiếng Việt. Ngay từ đầu năm học, giáo viên phân HS ra thành 3 nhóm: Nhóm HS  hoạt bát, năng động; nhóm HS ít nói hoặc không nói được tiếng Việt; nhóm HS còn rụt rè, hạn chế tiếng Việt. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ có phương pháp giảng dạy tiếng Việt phù hợp với từng nhóm HS.
 
Trong quá trình giảng dạy, giáo viên tổ chức cho HS giao lưu tiếng Việt. Qua 3 năm triển khai thực hiện, khả năng nói tiếng Việt của các em đã có sự tiến bộ rõ rệt. 
 
Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt
 
Đối với bậc mầm non, nhất  là nhóm nhà trẻ, các bé hầu như không nói được tiếng Việt. Bởi vậy, dạy cho trẻ nói tiếng Việt là cấp thiết để các bé chuẩn bị vào lớp 1. Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Khâm (Ba Tơ) Trần Thị Hằng cho hay: Trường đóng trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn với hơn 90% HS là người DTTS. Hầu hết trẻ giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Trong thời gian đầu đến trường, trẻ hầu như không hiểu tiếng Việt. Trước đây, trường chỉ mở lớp cho trẻ trên 36 tháng tuổi. 
 
Đây là năm đầu tiên trường mở lớp nhóm trẻ (từ 24- 36 tháng), qua đó có khoảng thời gian giúp trẻ tăng cường thể chất cũng như nói tiếng Việt tốt hơn. Ban Giám hiệu nhà trường hướng dẫn giáo viên tích hợp tăng cường tiếng Việt cho trẻ vào các hoạt động trong ngày. Ngoài ra, để góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học môn tiếng Việt cho HS người DTTS, Trường Mầm non Ba Khâm đã động viên, khuyến khích cán bộ, giáo viên nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả các đề tài sáng kiến vào trong thực tiễn dạy tiếng Việt cho HS.   
 
Những năm qua, Trường Đại học Phạm Văn Đồng cũng đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Hrê cho giáo viên, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt cho HS ở vùng cao. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, về chất lượng môn tiếng Việt, học sinh DTTS hoàn thành đạt tỷ lệ 95,76%, cao hơn năm học 2015 - 2016 là 43%.
 
  Bài, ảnh: DUY KHANG
 
 
 

.