Đam mê nghiên cứu khoa học

09:02, 09/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dù chỉ là học sinh, nhưng nhiều em đã thể hiện niềm đam mê nghiên cứu khoa học và gặt hái được những thành công bước đầu với các giải pháp về môi trường, một vấn đề “nóng” hiện nay.
[links()]
Khi thực tiễn chạm trái tim đam mê
 
Trăn trở trước thực trạng môi trường ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người, cộng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nhiều học sinh đã triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu. Trong đó có những dự án mang tính thực tiễn cao mà các nhà nghiên cứu khoa học thực thụ chưa “đụng” đến.  
Hai học sinh Lê Anh Kiệt và Nguyễn Vũ Quân được sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo Trương Duy Hướng.
Hai học sinh Lê Anh Kiệt và Nguyễn Vũ Quân được sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo Trương Duy Hướng.  Ảnh: Duy Khang
Tiêu biểu là hai em Lê Anh Kiệt (lớp 12 Toán 2) và Nguyễn Vũ Quân (lớp 12 Hóa), Trường THPT Chuyên Lê Khiết. Kiệt và Quân đã thành công với  dự án nghiên cứu khoa học “Thiết kế pilot quang xúc tác”, với  sự hướng dẫn của thầy giáo Trương Duy Hướng (Trường THPT Chuyên Lê Khiết) và giảng viên Trần Thanh Tùng (Trường Đại học Phạm Văn Đồng). Dự án này vinh dự đạt giải Tư tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2019 - 2020, giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 5. Qua đó, Kiệt và Quân được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo. 
 
Nguyễn Vũ Quân hào hứng chia sẻ: “Vấn đề ô nhiễm nước khá nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm các chất hữu cơ trong nước như các loại thuốc nhuộm hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... Có nhiều phương pháp để xử lý, trong đó có một phương pháp hiện đại, thân thiện với môi trường và được sử dụng nhiều trên thế giới, đó là sử dụng xúc tác quang. Tuy nhiên, phương pháp này cần phải có một hệ thống thiết bị để sử dụng một cách tự động. Trên cơ sở ý tưởng đó, nhóm đã thực hiện dự án này”.
 
Còn Lê Anh Kiệt thì bộc bạch: “Mọi thứ đối với chúng em đều mới mẻ, nên nhiều lúc em tưởng chừng phải dừng bước trước những khó khăn. Tuy nhiên, với ý chí muốn làm một cái gì đó để giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường, chúng em đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục tìm tòi, học hỏi, khám phá những cái mới”.
“Để học sinh thực hiện thành công dự án nghiên cứu khoa học và được công nhận phải đầu tư lâu dài, nuôi dưỡng đam mê. Muốn vậy, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên hướng dẫn, học sinh và cả phụ huynh”.
Trưởng Ban nghiên cứu khoa học Trường THPT Chuyên Lê Khiết, thầy giáo TRƯƠNG DUY HƯỚNG
Làm sạch nhà vệ sinh trường học
 
Từ thực tế trường học có hơn 650 học sinh, nhưng chỉ có một nhân viên bảo vệ kiêm luôn việc dọn dẹp nhà vệ sinh, nhóm học sinh Tống Thanh Phúc và Võ Thành Cường, nguyên là học sinh lớp 9, Trường THCS Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) đã bắt tay nghiên cứu giải pháp làm sạch nhà vệ sinh và điều khiển đèn sân trường. Dự án được thực hiện dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Hiệp, Trường THCS Chánh Lộ và đã đạt giải Ba tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 5.
 
Em Tống Thanh Phúc bày tỏ: Thông qua sản phẩm, chúng em muốn góp một phần công sức vào việc giữ gìn nhà vệ sinh trong trường học,  không còn là nỗi ám ảnh của các bạn học sinh; đồng thời giúp tiết kiệm điện, nước và nhân lực cho nhà trường. Lúc đầu, chúng em gặp khó khăn vì các thiết bị tự động có giá thành quá cao, nhưng nhóm đã nỗ lực nghiên cứu  để  tạo ra bộ sản phẩm đơn giản dùng trong nhà vệ sinh trường học với giá thành rẻ hơn rất nhiều.
 
Trong quá trình nghiên cứu, ngoài làm sạch nhà vệ sinh, nhóm còn phát huy hết tính năng của sản phẩm và giúp nhân viên bảo vệ bật điện vào buổi tối và tắt điện lúc sáng sớm. “Khi có người  đi vào trong nhà vệ sinh, ngay lập tức cảm biến chuyển động nhận dạng có người vào, đưa tín hiệu về bộ điều khiển logo xuất tín hiệu điều khiển đèn sáng và duy trì trong khoảng thời gian 5 phút (thời gian này được điều chỉnh tùy chọn), sau đó đèn tắt, nếu không có bất cứ sự chuyển động nào. Ngược lại, nếu có chuyển động thì đèn sẽ sáng liên tục”, Võ Thành Cường cho hay. 
 
Cường còn cho biết thêm: Khi học sinh vào vị trí tiểu tiện thì cảm biến khoảng cách hồng ngoại sẽ nhận biết có người, đưa tín hiệu về bộ điều khiển logo lập tức điều khiển van xả một lượng nước theo thời gian cài đặt trước. Sau khi tiểu tiện xong thì người đi ra khỏi vùng nhận tín hiệu bộ điều khiển sẽ tự động xả nước rửa trong một khoảng thời gian mà mình tự cài đặt... “Chi phí lắp đặt sản phẩm làm sạch nhà vệ sinh và điều khiển đèn sân trường nói trên chỉ mất vài triệu đồng. Dự kiến, Trường THCS Chánh Lộ sẽ lắp đặt sản phẩm này nhằm đảm bảo giữ nhà vệ sinh trường học luôn sạch sẽ, đồng thời tiết kiệm các chi phí điện, nước và nhân công”, cô Nguyễn Thị Cẩm Hiệp cho biết.
 
Hiện hai em Tống Thanh Phúc và Võ Thành Cường là học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Lê Khiết. Các em hy vọng môi trường học tập mới là nơi giúp bản thân tiếp tục phát triển niềm đam mê nghiên cứu khoa học.r
 
DUY KHANG
 

.