Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh:
Tự hào chặng đường 30 năm

03:11, 16/11/2020
.
*Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh ĐẶNG VĂN GIỮ
 
(Báo Quảng Ngãi)- Trường Phổ thông trung học Dân tộc nội trú tỉnh - nay là Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú (THPT DTNT) tỉnh, được thành lập năm 1990. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, thầy và trò nhà trường đã đạt được những thành tích đáng tự hào, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Quảng Ngãi nói chung và các huyện miền núi trong tỉnh nói riêng.
 
Những năm qua, nhà trường luôn được quan tâm và chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời về mọi mặt của các cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân địa phương. Thầy và trò nhà trường đã không ngừng phấn đấu và đạt nhiều thành tích xuất sắc trong các hoạt động giảng dạy, học tập, giáo dục, nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe học sinh (HS).
 
Từng bước khẳng định vị thế
 
Trường THPT DTNT tỉnh đi lên từ một cơ sở vật chất ban đầu còn thiếu thốn, chưa ngang tầm với một trường chuyên biệt. Số phòng học, phòng chức năng, bếp nấu, nhà ăn, ký túc xá... còn nhiều thiếu thốn. Khi mới thành lập, nhà trường phải nấu ăn cho các HS bằng chất đốt vỏ trấu. Chỗ ở tập thể cho cán bộ, giáo viên, nhân viên còn tạm bợ. Ban đầu, trường chỉ có vài trăm HS, cả hệ THCS và THPT. Tất cả HS của trường là con em người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, khoảng 80% người Hrê, người Cor và 20% người Cadong. 
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh biểu diễn văn nghệ tại Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”. Ảnh: Ngọc Viên
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh biểu diễn văn nghệ tại Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”. Ảnh: Ngọc Viên
Năm học 1991 - 1992, trường mới có khóa học đầu tiên, với 24 HS thi THPT. Mặc dù điều kiện còn khó khăn,  nhưng thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ; chú trọng nuôi, dạy, học và tổ chức các hoạt động cho HS một cách chu đáo.
 
Trải qua giai đoạn khó khăn của những ngày đầu mới thành lập, nhà trường được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm đầu tư về mọi mặt; sự đóng góp của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và cựu HS đã giúp trường có một cơ ngơi khang trang, đầy đủ các phòng học, phòng chức năng phục vụ giảng dạy, thực hành, rèn luyện thể chất.
 
Đến nay, nhà trường có ba khu ký túc xá và nhà ăn được cải tạo, xây mới đủ tiện nghi, đảm bảo chỗ ở và phục vụ ăn uống cho 500 HS. Năm học 2019 - 2020, toàn trường có 467 HS được biên chế thành 14 lớp, với 62 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tập thể nhà trường luôn nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
 
Trong các hoạt động, Trường THPT DTNT tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và giảng dạy; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp luôn tích cực sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, thu hút ngày càng nhiều HS có năng lực dự thi vào trường. Đặc biệt, năm học 2020 - 2021 là năm thứ ba trường được phép tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tạo thuận lợi trong công tác quản lý, đảm bảo chất lượng đầu vào. 
Sau 30 năm hình thành và phát triển, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã có nhiều thành quả đáng tự hào. Ảnh: Tr.Phương
Sau 30 năm hình thành và phát triển, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã có nhiều thành quả đáng tự hào. Ảnh: Tr.Phương
Trong những năm gần đây, kỳ thi tuyển vào lớp 10 Trường THPT DTNT tỉnh có sự cạnh tranh rất lớn giữa HS là dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi và các xã miền núi của các huyện đồng bằng (như Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành...), do chỉ tiêu tuyển sinh vào trường có hạn. Những em thi đỗ vào trường phần lớn đều có học lực khá, tốt so với mặt bằng chung tại các địa bàn miền núi. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhà trường ngày càng khẳng định được vị trí trong sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà. 
 
Chú trọng giáo dục toàn diện
 
Những năm gần đây, chất lượng dạy và học của Trường THPT DTNT tỉnh ngày càng được nâng lên. Nhà trường không chỉ tăng cường kiến thức, mà còn giúp học sinh hình thành kỹ năng sống.
 
Lãnh đạo nhà trường nhìn nhận, HS người đồng bào dân tộc thiểu số có năng lực học tập hạn chế hơn so với HS đồng bằng và thành phố. Vì vậy, nhà trường đặc biệt chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa cho HS và quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng cho các em. Hằng năm, nhà trường tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức các cuộc thi và hoạt động ngoại khóa để các em có dịp được giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, tạo sự gắn kết trong tập thể nhà trường. 
Thấy và trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh trong giờ học. Ảnh: Kim Ngân
Thấy và trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh trong giờ học. Ảnh: Kim Ngân
Thời gian qua, HS của trường tích cực tham gia các hội thi như "Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống", diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp”, “Tìm hiểu pháp luật năm 2019”... đã giúp các em có ý thức rèn luyện đạo đức trong môi trường mới, hòa nhập, tự giác, tự tin trong việc thực hiện nội quy của nhà trường; tích cực, chủ động trong các hoạt động cũng như học tập, nâng cao khả năng sáng tạo... Từ đó, các em tích cực phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện. Đây cũng là cơ sở để các em phát triển thành những công dân tốt, có những đóng góp cho gia đình, bản thân và cộng đồng nhiều hơn, đặc biệt là cho địa phương nơi các em đang sống. Đặc biệt hơn, thông qua các hoạt động, phong trào, nhà trường kịp thời phát hiện các hạt nhân để bồi dưỡng thành những hạt giống của trường và trở thành đội ngũ cốt cán cho địa phương, cho xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đào tạo của nhà trường.
 
Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THPT DTNT tỉnh luôn ý thức là một tấm gương cho HS về tác phong, đạo đức, lối sống, ứng xử, cách làm việc... Thầy, cô giáo đã cộng đồng trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS; thực hiện "vừa dạy chữ, vừa dạy người", giúp các em tự tin, mạnh dạn hòa nhập vào môi trường học tập và ăn ở nội trú khi phải xa gia đình.
 
Thầy và trò Trường THPT DTNT tỉnh hôm nay luôn tự hào về bề dày thành tích 30 năm hình thành và phát triển của trường. Ngôi trường này đã trở thành một trong những nơi có chất lượng giáo dục, đào tạo ngang tầm với các trường THPT khác trên toàn tỉnh, xứng đáng là chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực đáng tin cậy cho tỉnh nói chung, các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi nói riêng. Chặng đường 30 năm hình thành và phát triển của Trường THPT DTNT tỉnh với những thành tích đáng tự hào trong quá trình giáo dục và đào tạo đã khẳng định công lao đóng góp của thầy và trò các thế hệ./.
Nâng tầm chất lượng dạy và học
 
Năm học 2018 - 2019, Trường THPT DTNT tỉnh có 10 học sinh đoạt giải HS giỏi cấp tỉnh (4 giải Ba và 6 giải Khuyến khích); có một sản phẩm khoa học kỹ thuật dự thi cấp tỉnh và đoạt giải Ba; một HS dự thi trực tuyến giao thông học đường có điểm thi cao lọt vào vòng thi cấp tỉnh; có một giáo viên tham gia dự thi Thiết kế bài giảng Elerning và đoạt giải Nhất. Năm học 2019 - 2020, nhà trường có 6/6 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường; 25 HS giỏi lớp 12 cấp trường, trong đó, có 7 giải HS giỏi cấp tỉnh (1 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyến khích).
 
Hằng năm, số lượng HS của Trường THPT DTNT tỉnh xếp loại học lực loại giỏi, khá khoảng 50%, trên 92% HS đỗ tốt nghiệp THPT. Riêng năm học 2019 - 2020, trường có 99% HS đỗ tốt nghiệp THPT, xếp thứ 9 trong 48 đơn vị trường học. Nhà trường, tập thể tổ và cán bộ giáo viên, nhân viên có thành tích xuất sắc được UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Công đoàn ngành tặng bằng khen, giấy khen và công nhận  danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp.
 
 
 
 
 
 
 
 

.