Những người gieo hạt niềm tin- Kỳ cuối: Khát vọng cống hiến

05:11, 23/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Sống là khát vọng để thấy đời mênh mông...”. Lời bài hát làm chúng ta nhớ đến những thầy, cô giáo với khát vọng cống hiến sức lực, trí tuệ của mình vì lòng yêu nghề, mến trẻ. Họ nhận lại niềm vui, hạnh phúc khi nhìn thấy học sinh (HS) trưởng thành, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
[links()]
Thầy cô giáo được ví như "người đưa đò". Dẫu biết rằng trên những chuyến đò qua sông ấy có mấy người nhớ "bến xưa", nhưng thầy, cô giáo vẫn luôn kiên trì và thấy viên mãn khi nhắc đến những “khách qua đò” thành danh.
 
Những "người lái đò” thầm lặng
 
Làm nghề dạy học luôn chịu thiệt thòi và phải hy sinh nhiều. Đối với những giáo viên miền núi, thì sự hy sinh ấy tăng lên gấp bội. Có những thầy cô giáo đã quên tuổi thanh xuân của mình vì niềm đam mê dạy học, vì tấm lòng đối với HS. Khát vọng lớn nhất của họ là đem con chữ đến với những đứa trẻ nơi đại ngàn còn nhiều gian khó. Chỉ có niềm đam mê và nghị lực cống hiến thì họ mới có thể vượt qua những khó khăn, gian khổ trên hành trình mang con chữ đến với vùng cao.
 
Cô giáo Ngô Thị Thùy Trang, dạy môn vật lý, Trường THCS-THPT Phạm Kiệt (Sơn Hà), vẫn không quên những ngày đầu lên vùng cao công tác. Là giáo viên trẻ lại nhận công tác ở miền núi, nên với cô Trang khó khăn càng lớn hơn. 
Giáo viên Trường Mầm non Trà Sơn (Trà Bồng) đến nhà đón trẻ đến trường. Ảnh: Tr.Phương
Giáo viên Trường Mầm non Trà Sơn (Trà Bồng) đến nhà đón trẻ đến trường. Ảnh: Tr.Phương
Lúc mới về trường, cô Trang chưa biết đi xe máy, nên các thầy, cô giáo phải hỗ trợ, hướng dẫn. Nhìn thân hình nhỏ nhắn của cô Trang, nhiều đồng nghiệp lo lắng cô sẽ khó thích nghi với ngôi trường vùng cao này. Nhưng nghị lực và tình yêu nghề đã giúp cô dần vượt qua những rào cản để làm tốt vai trò của "người đưa đò" giữa đại ngàn. “Tôi luôn có khát vọng cống hiến. Công tác ở miền núi là cơ hội để tôi khám phá vùng đất mới, hiểu hơn những hy sinh của thầy cô giáo nơi đây. Vì vậy, tôi luôn cố gắng để góp phần truyền đạt kiến thức cho học trò nơi miền sơn cước”, cô Trang bộc bạch.
 
Giáo viên công tác ở miền núi không chỉ làm tròn vai của thầy cô giáo, mà còn “gánh” thêm trách nhiệm như là người cha, người mẹ của HS. Thầy, cô giáo chỉ vui khi mỗi buổi đến lớp nhìn thấy đầy đủ những gương mặt học trò thân quen của mình. Thế nên, họ luôn gần gũi và bằng nhiều cách khác nhau để động viên và vận động HS đến lớp.
 
Cô Trang cho hay: “Khi nắm bắt thông tin các em muốn nghỉ học, tôi cùng các thầy, cô biết tiếng đồng bào Hrê tới tận nhà để vận động phụ huynh tiếp tục cho con đến trường. Nhiều hôm, hơn 21 giờ đêm, các thầy, cô giáo mới quay về trường. Nhiều thôn cách trường 12 - 15km, đường lại khó đi, đôi khi phải băng qua những khu rừng lúc đêm tối, nghĩ lại vẫn còn rợn người”.
 
Cô giáo Trang không chỉ tích cực vận động để giữ HS, chống bỏ học, mà với sức trẻ và ý chí, khát vọng cống hiến của mình, cô là một giáo viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, tích cực tham gia tất cả cuộc thi, các hoạt động của trường và của ngành. Cô là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và là giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Đây là kết quả không dễ đạt được đối với cô giáo trẻ, nhất là những người đang công tác tại những vùng còn khó khăn như huyện Sơn Hà.
 
Mười năm gắn bó với trẻ em miền núi  huyện Trà Bồng, cô giáo Ngô Thị Thảo, ở điểm trường Sơn Bàn  - Trường Mầm non Trà Sơn (Trà Bồng) lần đầu tiên chứng kiến trận bão lịch sử. Bão số 9 làm điểm trường Sơn Bàn bị tốc mái hoàn toàn, dến nay, nhà trường vẫn chưa thể khắc phục xong. Vì vậy, địa phương đã cho nhà trường mượn nhà văn hóa thôn để tổ chức đón trẻ. “Nhà văn hóa thôn cách xa nhà dân, nên nhiều bậc cha mẹ cho con nghỉ học. Tôi phải đến từng nhà vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường. Những trẻ không có ba mẹ đưa đón thì giáo viên đến tận nhà để đón các cháu đến trường và cuối buổi chiều đưa về nhà”, cô Thảo thổ lộ.
 
Giờ đây, cô Thảo vừa thay ba mẹ đưa đón trẻ, lo cho các cháu những bữa ăn và dạy học. “Những ngày đầu trẻ lạ lẫm với môi trường mới, nên không chịu vào lớp. Giáo viên rất vất vả khi dỗ dành các cháu. Cả cô và trò cùng cố gắng để vượt qua khó khăn”, cô Thảo trải lòng.
“Tôi luôn có khát vọng cống hiến. Công tác ở miền núi là cơ hội để tôi khám phá vùng đất mới, hiểu hơn những hy sinh của thầy, cô giáo nơi đây. Vì vậy, tôi luôn cố gắng để góp phần truyền đạt kiến thức cho học trò nơi miền sơn cước”.
 
Giáo viên NGÔ THỊ THÙY TRANG, Trường THCS - THPT Phạm Kiệt (Sơn Hà)
Nụ cười mãn nguyện...
 
Hạnh phúc của người thầy khi thấy từng thế hệ HS tiếp tục con đường học vấn và thành đạt. Họ mãn nguyện vì đấy là những "quả ngọt" sau một thời gian dài họ cần mẫn, chăm chút dạy dỗ. Và hơn ai hết, mỗi thầy, cô giáo đều biết để có những “quả ngọt” như vậy, họ phải nỗ lực hết mình.
 
Sau khi hoàn thành khóa ánh sáng văn hóa miền núi vào năm 1988, cô Võ Thị Tư về nhận công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Hiệp (Trà Bồng). Đến nay, sau hơn 32 năm bám trường, cô Tư không nhớ hết mình đã dạy bao nhiêu lớp xóa mù, tiễn bao nhiêu thế hệ HS ra trường tiếp tục con đường học vấn và lập thân, lập nghiệp.
 
Cô Tư nhớ lại: Lúc mới về trường điều kiện rất khó khăn. Mùa mưa bão giáo viên vẫn phải dạy và trú trong mái trường tranh tre, nứa lá. Học sinh đi học xa, nên thường xuyên nghỉ học. Giáo viên phải có mặt thật sớm để tới nhà vận động phụ huynh. Có hôm không sắp xếp được thì giáo viên phải đi vận động ban đêm. Nhiều đêm tôi phải ở lại nhà dân.
 
“Lúc đầu đi học mang theo ước mơ làm nhà giáo từ thuở bé, nên bản thân tôi rất say sưa với công việc. Điều may mắn là các lớp xóa mù chữ có nhiều lứa tuổi (từ 18 đến trên 50 tuổi). Nhiều học viên coi cô giáo như người chị, người em, rất thương quý cô giáo...”, cô Tư chia sẻ. 
Cô giáo Lê Thị Quỳnh Nhi, Trường THPT chuyên Lê Khiết luôn cần mẫn bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: Tr.Phương
Cô giáo Lê Thị Quỳnh Nhi, Trường THPT chuyên Lê Khiết luôn cần mẫn bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: Tr.Phương
Suốt 7 năm giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Khiết, cô giáo Lê Thị Quỳnh Nhi, dạy môn hóa, đã có những thành tích đáng tự hào. Đối với mỗi nhà giáo, thì những ghi nhận của các cấp, ngành luôn là niềm động viên lớn lao. Cô Lê Thị Quỳnh Nhi nhớ lại: "Vào năm 2013, sau khi nhận bằng thạc sĩ tôi quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Khiết. Rất vui khi được tuyển dụng vào chính ngôi trường mình đã từng học càng thôi thúc tôi phải nỗ lực không ngừng để khẳng định mình, nhất là truyền lửa cho học sinh trường chuyên".
 
Với lợi thế tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, chưa vướng bận việc gia đình, cô Nhi dành tâm sức cho việc giảng dạy. “Tôi dành nhiều thời gian để đầu tư soạn bài, lên lớp. Để có bài giảng chất lượng, thu hút HS, tôi phải lên mạng tìm tòi, đọc nhiều sách, các chuyên đề của các trường, đề thi của các cuộc thi lớn, sách chuyên đề của đại học; đồng thời đọc thêm tài liệu tiếng Anh”, cô Nhi cho biết.
 
Chính sự nỗ lực không ngừng đã giúp cô Nhi khẳng định năng lực của mình và được Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi quốc gia. Niềm vui nhân lên khi lớp cô Nhi đảm nhiệm có một em đoạt giải Ba HS giỏi quốc gia. Từ năm 2016 đến nay, năm nào cô Nhi bồi dưỡng cũng có HS đoạt giải quốc gia. Đấy chính là những “quả ngọt” gắn với nụ cười mãn nguyện của “người lái đò” cần mẫn Quỳnh Nhi.
 
Cô Quỳnh Nhi tâm sự: “Giáo viên trường chuyên rất áp lực trong công tác bồi dưỡng HS giỏi dự thi cấp quốc gia. Hạnh phúc lớn lao nhất của giáo viên  là có HS đoạt giải cao. Để có được những thành tích đáng khích lệ đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực và niềm đam mê của cả cô và trò”.
 
TRỊNH PHƯƠNG
 
 
 

.