Học sinh được dùng điện thoại trong giờ học: Kiểm soát thế nào?

09:09, 28/09/2020
.
(Baoquangngai.vn) - Kể từ ngày 1.11.2020,  học sinh THCS, THPT được sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ cho việc học tập. Nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng nhưng cũng không ít người đồng tình.
Ý kiến trái chiều
 
Điện thoại thông minh khi kết nối internet là nơi cung cấp kho tàng kiến thức vô tận. Với điện thoại thông minh giúp học sinh tiếp cận rất nhiều nguồn kiến thức khác nhau. Tuy nhiên, nếu bị lạm dụng, nó sẽ tác động tiêu cực, làm giảm khả năng tiếp thu của học sinh cũng như nguy cơ nghiện game, sa đà vào nội dung xấu trên mạng xã hội…

Trước đây, Bộ GD&ĐT cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong giờ học. Thông tư 32 cho phép dùng điện thoại trong lớp nhưng không có nghĩa là học sinh được dùng một cách thoải mái mà phải có sự giám sát của giáo viên. Việc này nhiều phụ huynh, học sinh lo lắng nhưng cũng không ít người đồng tình.

Em Võ Thị Hồng Nhung, học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (TP. Quảng Ngãi) cho biết, những lúc học bài ở nhà cháu vẫn hay sử dụng điện thoại để tra công thức toán học hoặc học từ vựng tiếng Anh. Nhưng nhiều bạn lại sử dụng điện thoại chỉ để chơi game.
 
“Nếu cho dùng điện thoại trong giờ học, các bạn hay nhắn tin cho nhau nên sẽ không quan tâm, không tập trung về kiến thức thầy cô giảng trên trường” - Nhung bày tỏ.
 
Biết sử dụng đúng cách, điện thoại kết nối internet rất bổ ích cho học sinh trong việc học tập.
Biết sử dụng đúng cách, điện thoại kết nối internet rất bổ ích cho học sinh trong việc học tập.
Em Mạc Hoàng Lâm, nam sinh cùng trường cũng đồng tình với ý kiến của Nhung. “Không nên cho các bạn sử dụng điện thoại trong lớp học vì nhiều bạn sẽ không chú ý tới học tập ”- em Lâm viện dẫn.

Còn Đinh Văn Hoàng, học sinh lớp 12C10, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thì tin rằng, việc cho sử dụng điện thoại có kết nối internet sẽ rất bổ ích giúp học sinh dễ dàng tìm kiếm thông tin bổ sung cho bài học, thuận lợi cho việc trao đổi cũng như nắm bắt nội dung bài học.

Về phía phụ huynh, rất nhiều phụ huynh lo lắng và cũng không ít ý kiến đồng tình. Anh Trần Văn Công, ở phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi) hoàn toàn ủng hộ việc này.

“Mình nghĩ phụ huynh không quá lo vì việc này tốt cho việc học của các cháu. Các cháu sẽ tiếp cận được những cái mới, cái hay mà trong sách giáo khoa hay thầy cô giáo chưa truyền tải hết được. Tuy nhiên, thời gian, nội dung các cháu truy cập phải phù hợp, phải có sự giám sát và quản lý chặt chẽ của giáo viên đứng lớp” - anh Công nói.

Kiểm soát thế nào?

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, thầy Mai Anh Tuấn phân tích, việc sử dụng điện thoại để truy cập kiến thức, thông tin cho việc học tập thì trong tương lai nên cho phép với học sinh THCS và THPT.
 
Đối với học sinh THCS, cần thiết có sự kiểm soát của giáo viên đứng lớp, của nhà trường như sử dụng đối với môn học nào, thời điểm nào thích hợp?
 
Giáo viên sẽ vất vã hơn khi kiểm soát học sinh.
Giáo viên sẽ vất vã hơn khi kiểm soát việc dùng điện thoại của học sinh.
 
Thầy Dương Văn Nam, giáo viên của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cũng cho rằng, nếu học sinh nhận thức tốt sẽ sử dụng điện thoại hỗ trợ cho học tập, giúp các em tự giải quyết vấn đề khó khăn trong học tập. Trong điều kiện ý thức các em không tốt sẽ xảy ra mặt trái.

Vì thế giáo viên sẽ có những biện pháp để kiểm soát các em như nội dung nào được phép sử dụng, thời gian bao lâu? Giáo viên nhắc nhở, phê bình thậm chí là các biện pháp nghiêm khắc hơn với những em lạm dụng việc sử dụng điện thoại để làm việc riêng, chơi game.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thầy Trần Ngọc Nguyên, dùng điện thoại có kết nối internet nếu biết cách sử dụng phục vụ cho học tập như sử dụng đúng mực, đúng chỗ, đúng nơi rất bổ ích cho học sinh. Đó là kênh giúp các em mở mang kiến thức, những kiến thức bên lề, kiến thức tích hợp, lồng ghép của bài học.

Vấn đề đặt ra là học sinh sử dụng như thế nào, để phục vụ tốt cho bài học? Lo lắng nhất là việc kiểm soát học sinh, thêm đầu việc cho giáo viên trong tiết dạy.

Thực tế, thầy cô giáo đứng trên bục giảng thì ở dưới lớp có đến 45 - 50 học sinh. Khi đã hết thời gian giáo viên cho phép sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin cần thiết, học sinh có thể sử dụng cho việc khác.

“Đúng ra Bộ GD&ĐT nên làm thí điểm một vài địa phương, một vài trường, nếu có tác dụng tích cực hãy nhân rộng đại trà” - thầy Nguyên bày tỏ quan điểm.

Bài, ảnh: C.P

.