Phát triển du lịch đảo Lý Sơn bằng truyền miệng điện tử

10:07, 19/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nội dung cốt lõi của đề tài “Ứng dụng mô hình SEM để đánh giá tác động của truyền miệng điện tử (EWOM) đến nhận biết thương hiệu điểm đến: Trường hợp đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi” do sinh viên Nguyễn Văn Chính, lớp CQK18, Trường Đại học Phạm Văn Đồng thực hiện. 
 
Đề tài này đã đoạt giải Ba trong Cuộc thi “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” do Hội Sinh viên Việt Nam và Học viện Tài chính tổ chức.
 
Tính ứng dụng cao
 
Trong thời điểm nghỉ phòng dịch Covid-19, được sự gợi ý của giảng viên Nguyễn Hoàng Ngân - Khoa Kinh tế (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), em Nguyễn Văn Chính đã bắt tay nghiên cứu đề tài “Ứng dụng mô hình SEM để đánh giá tác động của EWOM đến nhận biết thương hiệu điểm đến: Trường hợp đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi”. Đây là đề tài nghiên cứu mới, ứng dụng được lý thuyết, mô hình của kinh tế lượng vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội đặt ra. 
 
Sinh viên Nguyễn Văn Chính thực hiện đề tài dưới sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Hoàng Ngân.
Sinh viên Nguyễn Văn Chính thực hiện đề tài dưới sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Hoàng Ngân.
 
Nguyễn Văn Chính chia sẻ: Với sự phát triển của khoa học công nghệ, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, việc sử dụng Internet để đánh giá hay tìm kiếm thông tin về một điểm đến đã trở nên phổ biến. Hầu hết mọi người sử dụng các trang mạng xã hội, các website về du lịch để tìm kiếm đánh giá về trải nghiệm của khách du lịch trước đó, từ đó mới ra quyết định lựa chọn điểm đến du lịch. Vì thế, nghiên cứu về tác động của EWOM đến nhận biết thương hiệu điểm đến và hình ảnh thương hiệu điểm đến tại Lý Sơn là hết sức cần thiết. 
 
Thành quả của đam mê 
 
Theo giảng viên Nguyễn Hoàng Ngân, đề tài này không dừng lại ở mức độ nhận biết bình thường của thống kê học như bao nhiêu đồng ý hay không đồng ý về thương hiệu, mà đi sâu vào góc độ nhận biết thương hiệu bằng con số theo lý thuyết kinh tế lượng. Những phản ánh tích cực sẽ tạo nên những hình ảnh rõ nét về thương hiệu du lịch, tác động của truyền miệng điện tử sẽ tạo nên điểm tích cực để đưa ra giải pháp xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch Lý Sơn ngày một vươn xa.
 
"Chính là một sinh viên thông minh, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, nhưng khó khăn của em là lần đầu tiếp xúc nghiên cứu, rào cản về ngoại ngữ để đọc tài liệu tiếng Anh. Cô trò phải cùng nhau tìm đọc, dịch thuật tài liệu nước ngoài để hoàn thành đề tài của mình", cô Hoàng Ngân cho biết thêm.
 
Thời gian thực hiện đề tài chỉ vỏn vẹn 3 tháng, nhưng với tinh thần làm việc  nghiêm túc của cả hai cô trò cùng với đề tài mang tính ứng dụng cao đã đem lại kết quả đáng mừng. Mong muốn lớn nhất của cả hai cô trò đó là tiếp tục phát triển đề tài có thể ứng dụng trong thực tế. Cụ thể là nâng cao hình ảnh thương hiệu đảo Lý Sơn, góp phần quảng bá hình ảnh và ngành du lịch quê hương đến bạn bè trong nước và quốc tế.
 
Bài, ảnh: DUY HÙNG
 
 

 


.