Chọn sách giáo khoa: Cần đảm bảo tiêu chí và quy trình

02:02, 17/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lựa chọn bộ sách giáo khoa (SGK) nào phù hợp với các tiêu chí quy định là câu hỏi đặt ra đối với những nhà quản lý giáo dục các cấp lúc này. Bên cạnh việc lựa chọn phải đảm bảo quy trình công khai, minh bạch và tạo sự đồng thuận trong tập thể nhà trường, còn phải tính đến mục tiêu, sứ mệnh của mỗi cơ sở giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 15.3.2020. Theo đó, SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông phải thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.
 
Phải phù hợp với năng lực học sinh
 
Theo quy định, một chương trình sẽ có nhiều bộ SGK. Bộ GD&ĐT quy định một bộ SGK phải đảm bảo 2 tiêu chí cơ bản là phù hợp với đặc điểm kinh tế- xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Hiện tại, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã tính đến các phương án chọn bộ SGK cho đơn vị đảm bảo theo các tiêu chí, phù hợp với năng lực giáo dục và sự đồng thuận từ giáo viên, học sinh và phụ huynh. 
 Việc lựa chọn sách giáo khoa nên có sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Việc lựa chọn sách giáo khoa nên có sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Khiết Vũ Thị Liên Hương cho biết: “Mục tiêu và sứ mệnh của mỗi trường khác nhau, nên chọn được bộ SGK phù hợp là rất khó. Vì vậy, các trường cần thận trọng và làm đúng quy trình. Trong đó, giáo viên đóng vai trò chủ đạo. Bởi hơn ai hết, thầy, cô giáo là những người nắm rõ năng lực và yêu cầu của mỗi học sinh để chọn bộ SGK phù hợp”.
 
Đối với học sinh, có một bộ SGK phù hợp với năng lực học tập, tránh sự quá tải là điều các em mong muốn. Em Bùi Lê Kim Uyên, lớp 5A, Trường Tiểu học Nghĩa Kỳ Nam (Tư Nghĩa) chia sẻ: “Em muốn có một bộ SGK với lượng kiến thức vừa phải đối với bản thân và phù hợp với chương trình của từng bậc học. Ngoài giờ học trong SGK, nhà trường cần tổ chức cho học sinh tham gia những hoạt động ngoại khóa, giao lưu để trau dồi những kỹ năng cần thiết, bổ ích trong cuộc sống và học tập”.
 
Cần sự khách quan
 
Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn về quy trình chọn SGK đối với các cơ sở giáo dục. Điều đó nhằm giúp các đơn vị chọn một bộ sách phù hợp với các tiêu chí và mục tiêu, sứ mệnh giáo dục của đơn vị mình. Đồng thời, đây cũng là việc làm thể hiện sự minh bạch, công khai, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ các nhà quản lý giáo dục với giáo viên, học sinh và phụ huynh trong việc chọn sách SGK, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
 
Để làm được điều đó, các cơ sở giáo dục phải thành lập Hội đồng lựa chọn SGK. Hội đồng này do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.
 
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài, các trường được giao quyền tự chủ trong việc chọn SGK. Tuy nhiên, điều quan trọng là việc lựa chọn phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, dân chủ, đúng pháp luật, thể hiện rõ nhất thông qua sự xuất hiện của ban đại diện cha mẹ học sinh trong thành phần hội đồng lựa chọn sách. Bởi họ là những người trực tiếp mua SGK và họ cần phải biết con mình học những gì.
 
Chọn bộ SGK phù hợp sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
 
Bài, ảnh: DUY KHANG
 
 

.