Người đi khai trường, mở lớp

08:11, 20/11/2019
.
(Baoquangngai) – Gần 30 năm, ngần ấy thời gian cô giáo Võ Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường MN Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa là người khai mở nét chữ đầu tiên cho những đứa trẻ ở vùng cao này.
Gian nan ngày khai lớp

Tôi đến Trường MN Nghĩa Sơn trong một buổi chiều đông. Nắng mùa đông trong vắt xua tan vẻ âm u của những ngày mưa phùn đã qua. Sân trường rộn rã tiếng vui đùa, những câu nói lém lỉnh của học sinh người Hrê. Ngôi trường ở xã miền núi xa xôi hẻo lánh lại khang trang, sạch đẹp, năn nắp, gọn gàng hơn tôi nghĩ.

Nghĩa Sơn là xã miền núi, 100% dân số là đồng bào dân tộc Hrê. Khi ấy là một vùng núi hoang vắng, dân cư thưa thớt. Những ngày đầu đặt chân lên đây thật sự gian nan. Từ ấy, cô Nguyệt đã gắn bó với mảnh đất này gần nửa cuộc đời.

Cô Nguyệt kể kỉ niệm mà cô không thể nào quên được, đó là những ngày tháng đầu tiên khai trường, mở lớp, năm 1983. Khi ấy, cô đang dạy ở xã Nghĩa Lâm thì được phân công nhiệm vụ vào đây. Ngôi trường này chỉ là lớp ghép tạm bợ mầm non học chung với tiểu học.
 
Cô Nguyệt, người khai trường, mở lớp mầm non ở xã miền núi Nghĩa Sơn.
Cô Nguyệt, người khai trường, mở lớp mầm non ở xã miền núi Nghĩa Sơn.
 
Học sinh tất cả là người đồng bào dân tộc Hrê, bất đồng ngôn ngữ nên việc dạy và học rất khó khăn. Bởi vậy, ngoài giờ lên lớp, cô phải học những câu tiếng Hrê cơ bản trong giao tiếp để thuận lợi hơn cho việc dạy học, vận động học sinh ra lớp.

Rồi những ngày mưa lũ, nước thượng nguồn đổ về, cô liều mình qua suối, sách vở, giáo án trôi theo lũ, cô vật lộn thoát dòng lũ dữ để vào bờ. Những khó khăn, vất vã không thể nào kể hết.

Học sinh mầm non có rất nhiều độ tuổi, từ bé đến những em đã lớn, nhưng sự ham học của học trò là động lực giúp cô vượt qua gian nan để bám lớp.

Vượt qua những vất vã, khó nhọc ban đầu, chỉ còn tình yêu thương với những đứa trẻ vùng cao, chỉ còn khát vọng, nhiệt huyết với nghề, suốt 29 năm qua cô bám trụ với ngôi trường, miệt mài trao truyền con chữ cho con em đồng bào nơi miền sơn cước.

"Quả ngọt"

Chị Phạm Thị Hoàng, một trong những học sinh được cô Nguyệt khai mở nét chữ đầu tiên từ những ngày đầu mở lớp, nay hai con của chị cũng là học trò của trường .

“Nếu có ai hỏi tôi thầy, cô giáo nào yêu quý nhất, tôi sẽ trả lời ngày là cô Nguyệt. Đó là người đã từng yêu thương, cầm tay tôi viết chữ, nay là đến các con tôi. Bà con ai cũng xem cô ấy là người con ở đây. Ở ngôi trường này, phụ huynh rất yên tâm khi con em có sự phát triển vượt bậc về thể chất lẫn trí tuệ” - chị Hoàng xúc động.
 
Là trường miền núi, nhưng chất lượng giáo dục thuộc tốp đầu của huyện  Tư Nghĩa.
Là trường miền núi, nhưng chất lượng giáo dục thuộc tốp đầu của huyện Tư Nghĩa.
 
Từ lớp mầm non ghép đến ngôi trường bán công rồi lên công lập. Hiện trường có gần 97 học sinh với 15 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Trường đã được xây dựng khang trang với đầy đủ các trang thiết bị dạy học và khu vui chơi, giáo dục thể chất, kỹ năng sống cho học sinh. Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2016.

Cô giáo Phạm Thị Sâm chia sẻ: “Cô Nguyệt luôn đem lại giáo viên sự gần gũi, ấm áp, bao dung, nhiệt tình giúp đỡ các cán bộ giáo viên, nhân viên trong trường như người thân của mình. Đó là động lực giúp giáo viên thêm yêu và cống hiến cho ngôi trường này”.

"Quả ngọt" hôm nay là công sức của tập thể, nhưng công lao to lớn phải kể đến là cô Nguyệt. Dù ở bất cứ cương vị nào, cô cũng xắn tay vào việc, luôn động viên, tận tình truyền dạy những kinh nghiệm của mình cho thế hệ trẻ.

“Là xã miền núi nhưng chất lượng giáo dục của trường thuộc tốp đầu của huyện Tư Nghĩa, đó là kỳ tích, công lao rất lớn của cô Nguyệt. Cô Nguyệt là tấm gương nhà giáo hết sức yêu nghề, hết sức tận tụy với nghề, dành hết tâm huyết với sự nghiệp giáo dục ở mảnh đất này”, thầy Trương Quang Dũng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa dành những lời “có cánh” khi nói về đồng nghiệp của mình.

Gần 30 gắn bó, Nghĩa Sơn đã trở thành quê hương thứ hai của cô. Được bà con đồng bào dân tộc Hrê yêu thương, quý mến. Đó là niềm vui vô bờ. Không bao lâu nữa, cô sẽ rời xa mái trường này về nghỉ hưu, nhưng cô vẫn trăn trở làm thế nào để xây dựng khu vui chơi liên hoàn, phát triển thể chất, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em miền núi.
Bài, ảnh: A.KIỀU

.