Hiệu quả từ đa dạng mô hình thư viện

02:10, 19/10/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng trường học thân thiện phải gắn liền với các mục tiêu hoạt động bên trong nhà trường. Thay đổi nhận thức việc đọc sách và khơi dậy văn hóa đọc trong học sinh (HS) là nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ sở giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Do đó, việc đa dạng các mô hình thư viện là giải pháp ưu việt nhất để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ đó.

TIN LIÊN QUAN

"Kích cầu" văn hóa đọc

Trong những năm gần đây, hệ thống thư viện trong trường học luôn ở trong tình trạng trở thành "kho sách", không thu hút HS, giáo viên đến đọc sách, tra cứu tài liệu phục vụ việc học tập và giảng dạy. Nhưng hiện nay, nhiều thư viện trong trường học đã thay đổi, mở rộng về diện tích, thiết kế đẹp mắt, tạo một không gian lạ, môi trường đọc sách thân thiện.

Các loại thiết bị được trang bị đầy đủ, đáp ứng tốt nhất cho việc đọc của HS, như kệ sách, bàn phục vụ việc đọc, thảm xốp trải phòng, phòng được trang trí bắt mắt... Việc bố trí các đầu sách hợp lý cũng tạo không gian thân thiện, gần gũi cho HS.

Học sinh Trường Tiểu học Tịnh Hà (Sơn Tịnh) thích thú với mô hình thư viện thân thiện.
Học sinh Trường Tiểu học Tịnh Hà (Sơn Tịnh) thích thú với mô hình thư viện thân thiện.

Ngoài những chức năng phục vụ đọc sách, mô hình thư viện này còn tạo điều kiện để HS phát triển năng lực của bản thân một cách tự nhiên. Đó là, không gian học tập đa chức năng, với các góc học tập khác nhau, như góc sáng tạo gồm các sách khoa học, các mô hình, vật dụng thí nghiệm...

Góc văn hóa, nghệ thuật gồm các đầu sách về văn hóa, nghệ thuật, trang phục truyền thống, ẩm thực dân gian, tranh vẽ… Chủ điểm của các góc cũng thay đổi thường xuyên, định kỳ phù hợp với các chủ đề hằng tháng.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa) Võ Văn Hải cho biết: Nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất, tạo cảnh quan và không gian đọc sách tốt nhất cho HS. Nhà trường sẽ tổ chức nơi đây không chỉ để đọc sách, mà còn tạo môi trường giáo dục những kỹ năng đọc cho HS, hình thành văn hóa đọc trong trường tiểu học thông qua các mô hình “thư viện thân thiện”, hay “thư viện xanh”...

Nhân rộng các mô hình thư viện

Hiện nay, Trường Tiểu học Tịnh Hà (Sơn Tịnh) đã đưa mô hình thư viện thân thiện vào hoạt động đã thu hút hàng trăm HS đến đọc sách vào giờ ra chơi. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trường Tiểu học Tịnh Hà chia sẻ: “Các em thích thú đến thư viện, vì mỗi kệ sách được sơn những màu khác nhau, nên các em dễ dàng chọn được sách phù hợp với lứa tuổi và sở thích".

Với hiệu quả mang lại, nhiều trường học đã xây dựng mô hình “thư viện thân thiện”, “thư viện xanh”, giúp HS dễ dàng tiếp cận và thích đọc sách trong không gian mở thân thiện…

Ngoài việc các trường học tự dùng kinh phí từ ngân sách để xây dựng các mô hình thư viện mới, từ năm 2018 đến nay, Sở GD&ĐT tạo đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Room to Read để triển khai Dự án Thư viện thân thiện cho các trường tiểu học ở địa bàn khó khăn.

Trong năm học này, 18 trường học ở vùng khó khăn của 3 huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Bình Sơn được tổ chức Room to Read tài trợ xây dựng thư viện thân thiện, với hàng nghìn đầu sách, truyện thiếu nhi và các thiết bị cũng như hỗ trợ về phương pháp tổ chức hoạt động của thư viện. Thông qua hoạt động đọc sách tại thư viện và mượn sách về nhà, thư viện thân thiện đã góp phần hỗ trợ HS phát triển ngôn ngữ, rèn kỹ năng giao tiếp và cải thiện chất lượng học tiếng Việt...


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG



 

.