Dòng tộc yêu nước, hiếu học bên bờ sông Trà

02:10, 01/10/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với dòng họ Nguyễn, họ Phạm là một trong hai dòng tộc đã có công khai cơ lập nghiệp làng Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa). Họ Phạm ở đây gồm có ba chi là Phạm Cao, Phạm Trung và Phạm Ngọc. Trong đó, chi Phạm Cao có nhiều người tham gia các phong trào yêu nước, chống giặc ngoại xâm, điển hình là Phạm Cao Chẩm - nhà yêu nước bất khuất, từng bị địch bắt đày đi Côn Đảo 2 lần và hy sinh vì nghĩa cả tại nhà tù Côn Đảo năm 1918.

Nhà yêu nước bất khuất

“Ông là một người trăm lần bẻ không co, một trong những người lãnh đạo xuất sắc của phong trào Cần Vương, tỉnh Quảng Ngãi”, Huỳnh Thúc Kháng. Đó là dòng chữ chúng tôi đọc được trên bức ảnh chân dung ông Phạm Cao Chẩm treo tại nhà thờ họ Phạm ở thôn Xuân Phổ Tây. Ông Phạm Cao Chẩm có hiệu là Xuân Viên, sinh năm 1873, đỗ tú tài khoa Đinh Dậu năm 1897, vì thế nhiều người hay gọi ông là Tú Chẩm.
Nhà thờ tộc họ Phạm ở thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).
Nhà thờ tộc họ Phạm ở thôn Xuân Phổ Tây, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa).
Theo tư liệu, những năm 1905 - 1906, Phạm Cao Chẩm cùng Lê Đình Cẩn, Phạm Cao Đài, Lê Ngung, Lê Tựu Khiết... hưởng ứng phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ, khởi xướng thành lập Duy Tân hội Quảng Ngãi, do Lê Đình Cẩn đứng đầu. Khi phong trào kháng thuế cự sưu ở Trung Kỳ bị đàn áp đẫm máu, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Nguyễn Bá Loan, Lê Khiết, Phạm Mỹ bị xử tử; còn Phạm Cao Chẩm cùng nhiều nhà yêu nước khác bị đày ra Côn Đảo.

Năm 1915, ông Phạm Cao Chẩm được trả tự do, về lại quê nhà. Sau đó, ông nhanh chóng tham gia vận động chuẩn bị khởi nghĩa Duy Tân do Việt Nam Quang Phục hội khởi xướng. Ông cùng Lê Ngung, Nguyễn Thụy, Phạm Tuân... được giao trách nhiệm tổ chức khởi nghĩa ở Quảng Ngãi. Kế hoạch bị bại lộ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Lê Ngung, Nguyễn Thụy cùng nhiều sĩ phu khác bị xử chém.

Ông Phạm Cao Chẩm bị kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Năm 1918, vào mùng 4 Tết, nhà yêu nước này cùng với Nguyễn Trọng Thường (con trai của thủ lĩnh Cần Vương ở Hưng Yên), đã lãnh đạo những người tù chung thân nổi dậy cướp đảo. Sự việc bất thành, hai ông bị giặc hành hạ rồi xử bắn, vùi xác ở nghĩa địa Hàng Keo. Sau này, di hài ông được mang về yên nghỉ tại quê nhà.

Gia đình hiếu học tiêu biểu

Ông Phạm Cao Chẩm có người con trai đầu tên Phạm Thượng Chí. Ông Chí có nhiều người con, trong đó nổi bật là TS Phạm Cao Long, từng là Giám đốc Trường Đại học Thủy lợi - cơ sở 2 tại TP.Hồ Chí Minh, hiện đã nghỉ hưu; bà Phạm Thị Tình, là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba); ông Phạm Cao Đàn, người có gia đình hiếu học tiêu biểu của cả dòng tộc và địa phương.

Những người con của ông Phạm Cao Đàn gồm: Phạm Cao Tuyên, hiện là Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp hóa chất Đà Nẵng; Phạm Cao Tuyến, là Tiến sĩ, giảng viên đại học, kiêm Giám đốc Công ty Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Trường Đại học Thủy lợi; Phạm Cao Huyên, Tiến sĩ, giảng viên đại học, cùng hai người con gái là Phạm Thị Thanh Tuyền và Phạm Thị Mộng Tuyền, đều tốt nghiệp đại học loại giỏi, hiện làm trong ngành dược và giáo viên tại TP.Hồ Chí Minh.

Không chỉ nổi tiếng học giỏi, thành đạt trong sự nghiệp, mà các con cháu Phạm Cao còn rất tích cực đóng góp xây dựng tộc họ Phạm, ủng hộ các hoạt động của con em xã Nghĩa Kỳ và chăm lo đến việc học của thế hệ trẻ. Vừa qua, ông Phạm Cao Tuyến đã về thăm và tặng các thiết bị đồ dùng dạy học trị giá 150 triệu đồng cho Trường THCS Nghĩa Kỳ, góp phần xây dựng thư viện tiên tiến và nâng cao chất lượng dạy và học cho trường.

Bài, ảnh: HUỲNH THẢO


 

.