Các phòng GD&ĐT: Lo không gánh xuể công việc

10:10, 31/10/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các phòng GD&ĐT trong tỉnh hiện đang rà soát, sắp xếp vị trí việc làm, cân nhắc điều chuyển cán bộ để không còn biên chế sự nghiệp (BCSN) trong cơ quan hành chính theo quy định. Tuy nhiên, hầu hết các phòng GD&ĐT đều lo lắng vì khối lượng công việc nhiều, trong khi nguồn nhân lực quá mỏng, nếu điều chuyển cán bộ thuộc BCSN về lại các trường.

TIN LIÊN QUAN

Tại hầu hết các phòng GD&ĐT trong tỉnh hiện nay đều có cán bộ thuộc BCSN, được điều chuyển từ các trường học trên địa bàn. Theo lý giải của các địa phương, do khối lượng công việc ở các phòng GD&ĐT nhiều, đòi hỏi phải bố trí thêm cán bộ thuộc BCSN, những người có trình độ chuyên môn phù hợp để tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục.

Vì thế, cán bộ thuộc BCSN chiếm số lượng lớn. Đơn cử như ở Phòng GD&ĐT Tư Nghĩa có 5 công chức (CC), 7 viên chức (VC); Sơn Tây 4 CC và 8 VC; Tây Trà 4 CC và 7 VC; Đức Phổ 3 CC và 5 VC...

Tăng cường công tác quản lý giáo dục để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học (ảnh minh họa).
Tăng cường công tác quản lý giáo dục để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học (ảnh minh họa).
Điều khiến lãnh đạo các phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh lo lắng hiện nay là, nếu thực hiện điều chuyển cán bộ thuộc BCSN về lại các trường, với số lượng CBCC quá ít như hiện tại thì khó đảm đương tốt công việc.
Kế hoạch 126 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) quy định, phải thực hiện sắp xếp, điều chuyển, chuyển đổi BCSN đang làm việc trong cơ quan hành chính để hướng đến không còn BCSN trong cơ quan hành chính. Cụ thể, đến năm 2021 thực hiện tối thiểu 40%; đến năm 2025 thực hiện hoàn thành việc sắp xếp, điều chuyển, chuyển đổi BCSN đang làm việc trong cơ quan hành chính.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa Trương Quang Dũng cho hay: Theo Thông báo 185 ngày 19.6.2018 của UBND tỉnh thì các cơ quan chức năng thực hiện rà soát, kiểm tra lại nhiệm vụ của phòng GD&ĐT để xem xét, phân cấp nhiệm vụ cho các trường, đơn vị thực hiện, chỉ thực hiện công tác hướng dẫn chuyên môn, thanh tra, kiểm tra.

Trong khi đó, Nghị định 127/2018/NĐ-CP ngày 21.9.2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục thì Phòng GD&ĐT có đến 12 đầu mục nhiệm vụ được giao. Với khối lượng công việc nhiều như hiện tại, nếu chuyển cán bộ thuộc BCSN về lại các trường thì phòng khó đảm trách tốt công việc.

Thực hiện theo quy định mới, Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi đã thực hiện điều chuyển 1 kế toán và 1 VC phụ trách công tác thi đua -khen thưởng, công nghệ thông tin về công tác tại các trường, nên hiện còn 7 CC và 13 VC.

Trong khi đó, thành phố hiện có 76 trường ở cả 3 cấp học, với tổng số hơn 2.400 cán bộ quản lý, giáo viên và hơn 51 nghìn học sinh.

Phó trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi Nguyễn Văn Kiểm cho biết: Khối lượng công việc của phòng rất nhiều, với số lượng cán bộ hiện tại đôi lúc còn làm không kịp, nhất là đối với mảng cơ sở vật chất và tổng hợp báo cáo.

Huyện Đức Phổ cũng đã xây dựng kế hoạch điều chuyển BCSN ở phòng GD&ĐT về lại các trường. Thế nhưng, theo lãnh đạo Cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện thì tại phòng GD&ĐT nhiều việc, nên tạm thời chưa điểu chuyển cán bộ theo kế hoạch. Huyện đang thực hiện hình thức “biệt phái” một trường hợp là giáo viên ở trường mầm non lên làm việc tại phòng GD&ĐT phụ trách chuyên môn bậc mầm non.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới thì cho rằng: Những năm qua, chỉ tiêu công chức bố trí cho phòng GD&ĐT rất ít, nên buộc phải trưng dụng giáo viên ở các trường về giúp việc. Do khó khăn về nguồn nhân lực nên phòng chưa triệt để trong thực hiện điều chuyển cán bộ thuộc BCSN về lại các trường. Nếu vậy, cần bổ sung từ 7 - 8 biên chế CC cho phòng GD&ĐT thì mới xoay xở được công việc thuộc trách nhiệm được giao.

Sắp xếp, điều chuyển, chuyển đổi BCSN đang làm việc trong cơ quan hành chính để hướng đến không còn BCSN trong cơ quan hành chính là quy định phải thực hiện. Tuy nhiên, để các phòng GD&ĐT thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, các cấp, ngành trong tỉnh cần có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương.


PHƯƠNG LÝ

 

.