Cùng con những ngày đầu vào lớp 1

10:09, 25/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khi mới vào lớp 1, trẻ chưa kịp thích nghi với môi trường học tập, những kỷ luật, nền nếp và kiến thức mới. Vì vậy, nhà trường, giáo viên và phụ huynh cần đồng hành để có những biện pháp phù hợp, giúp trẻ sẵn sàng cho hành trình mới...
TIN LIÊN QUAN

Thầy cô là tấm gương cho trẻ

Trong những tuần đầu trẻ bước vào lớp 1, giáo viên rèn cho học sinh kỹ năng cơ bản cần thiết trong giao tiếp ứng xử như kính trọng, lễ phép với người lớn; đoàn kết, hòa nhã với bạn bè; giữ gìn vệ sinh môi trường chung; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi phù hợp; quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh; rèn kỹ năng vận động, kỹ năng xử lý một số tình huống cụ thể...
 Cô giáo cần tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh lớp 1.
Cô giáo cần tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh lớp 1.
Với môn Tiếng Việt, học sinh được hướng dẫn viết những nét chữ cơ bản, mạnh dạn phát biểu ý kiến, nói lên những suy nghĩ của mình. Những tiết học đầu tiên rất mới mẻ và là thử thách đối với các em. Vì vậy, các em cần có sự thấu hiểu của cô giáo để dìu dắt từng bước.

Cô giáo Phạm Thị Ngọc Huệ, Trường Tiểu học thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ) cho rằng: “Cô giáo phải yêu thương, gần gũi, động viên các con. Đặc biệt, giáo viên phải quan tâm dìu dắt các em cá biệt, hoặc những em học chậm. Những em học khá hơn cũng thấy được điều đó để cùng cô giáo hỗ trợ bạn, tạo sự đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ”.  

Đối với học sinh tiểu học, thầy cô giáo là tấm gương để các em noi theo. Vì vậy, việc tiếp xúc ban đầu giữa giáo viên và học sinh lớp 1 là một dấu mốc hết sức quan trọng, để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời mỗi học sinh. Mọi động thái ứng xử, hành vi giao tiếp, từ lời nói, ánh mắt, nụ cười... của giáo viên đều để lại hình ảnh trong lòng học sinh. Vì vậy, giáo viên phải luôn chỉnh chu về hình thức, thường xuyên trò chuyện với các em, hỏi thăm về tâm tư, tình cảm, sở thích của từng em.

Đồng hành cùng con

Khó khăn của các bé khi vào lớp 1 không phải là học chữ, học tính toán, tập đọc, viết... mà là học cách hòa nhập với môi trường mới, hoạt động mới, nên phụ huynh cần phối hợp với thầy cô giáo để cùng đồng hành với trẻ vượt qua được những thử thách mới.

Những ngày đầu tiên đến trường, cha mẹ cần trò chuyện với con nhiều hơn, lắng nghe những điều trẻ chia sẻ, để ý những biểu hiện của con vào các buổi sáng khi chuẩn bị đưa con đi học. Phụ huynh không nên so sánh con với bạn bè, mà cần nhìn vào những cố gắng để động viên, khen ngợi và khích lệ trẻ khi chưa làm được việc gì đó.

Theo các chuyên gia giáo dục, điều nên tránh trong cách dạy học sinh lớp 1 là phụ huynh không được mang cô giáo, nhà trường ra để dọa trẻ, vì sẽ tác động đến tâm lý của trẻ, vô tình làm cho trẻ sợ đến trường, sợ thầy cô. Thay vào đó, các bậc phụ huynh chỉ cần thay đổi theo hướng tích cực như: “Con chăm ngoan thì mẹ sẽ đề xuất cô giáo để cô thưởng, cô khen”... thì trẻ sẽ cảm thấy hào hứng, thích thú được đến trường.

Cô giáo Tôn Thị Diễm Trang - Tổ trưởng chuyên môn tổ 1, Trường Tiểu học Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cho rằng: “Để phụ huynh yên tâm khi con em đến trường, thì giáo viên phải tạo được niềm tin cho phụ huynh và giảng dạy bằng tình yêu thương. Vào đầu năm học, giáo viên đã hướng dẫn phụ huynh cách dạy, cách phát âm của một số chữ và khuyến khích phụ huynh trao đổi với giáo viên. Sắp tới, trường sẽ tổ chức tiết học mẫu cho phụ huynh tham gia, để hiểu cách dạy theo chương trình giáo dục công nghệ”.

Với học sinh lớp 1, các em đang trong giai đoạn rèn nền nếp, chứ không quá chú trọng thành tích. Sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh vào kết quả học tập sẽ là một áp lực lớn cho trẻ. Đồng hành cùng con, rèn cho con sự tự tin, ham thích được khám phá bằng những câu chuyện đẹp về trường lớp, thầy cô sẽ là hành trang quý trên con đường học chữ, học làm người của trẻ.

Bài, ảnh: TR.PHƯƠNG

 

.