Tuyển sinh năm 2019: Các trường địa phương gặp khó

10:08, 28/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Công tác tuyển sinh của các trường đại học đóng trên địa bàn Quảng Ngãi gặp rất nhiều khó khăn. Đối với Trường Đại học Phạm Văn Đồng, việc tuyển sinh các khối ngành sư phạm còn khó khăn hơn...
TIN LIÊN QUAN

Chưa tuyển đủ chỉ tiêu

Trường Đại học Phạm Văn Đồng là trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, một trong những nhiệm vụ chính của trường là đào tạo sư phạm, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành giáo dục tỉnh nhà.
 Thí sinh xác nhận nhập học tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng.
Thí sinh xác nhận nhập học tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng.

Thời gian qua, nhà trường luôn nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh bằng nhiều hình thức đa dạng. Đặc biệt, năm nay Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức chương trình "Ngày hội PDU" với sự tham gia của hơn 1.300 học sinh lớp 12 của 30 trường THPT trong tỉnh.

Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức nhiều đợt cho cán bộ, giảng viên và cả sinh viên tình nguyện đến các trường tư vấn tuyển sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều ngành sư phạm của trường vẫn có ít thí sinh đăng ký.

Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, TS.Nguyễn Đăng Vũ cho biết: “Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, nhà trường còn đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo, đào tạo gắn liền với thực tế; đồng thời tăng cường tư vấn tuyển sinh đến các trường trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau. Dù vậy, công tác tuyển sinh của trường đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khối ngành sư phạm”.

Đối với Trường Đại học Tài chính - Kế toán, kết quả tuyển sinh cũng không khá hơn. Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Tài chính - Kế toán Phạm Hoài Nam cho hay: Năm nay trường tuyển 950 chỉ tiêu (cơ sở chính 650 chỉ tiêu và 300 chỉ tiêu cho Phân hiệu tại Huế), nhưng việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch, nhà trường sẽ tuyển bổ sung đến hết ngày 29.10.2019.

Phân hiệu Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi tuy có phần khả quan hơn so với năm trước, nhưng cũng mới tuyển được khoảng 60% chỉ tiêu.

Đâu là nguyên nhân?

Theo TS.Nguyễn Đăng Vũ, cái khó trước tiên là việc Bộ GD&ĐT thay đổi quá đột ngột về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành sư phạm. Nếu như trước đây thí sinh chỉ cần đạt từ 14 điểm là có thể vào ngành sư phạm, thì đến năm 2018, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với bậc đại học là 17, cao đẳng 16. Năm 2019, điểm đầu vào bậc đại học khối ngành sư phạm tăng lên 18 điểm và 17 điểm đối với bậc cao đẳng. Ngoài ra, điều kiện xét học bạ cũng rất cao.

Ông Vũ cho rằng: “Nâng cao chất lượng ngành sư phạm là một chủ trương đúng, nhưng phải có lộ trình. Việc Bộ thay đổi quá đột ngột như vậy đã gây khó cho các trường, nhất là trường đại học đào tạo sư phạm tại các địa phương”.


Ngoài ra, vấn đề việc làm đối với ngành sư phạm là một khó khăn không nhỏ. Từ việc tác động của vấn đề việc làm đến những ràng buộc về cơ chế đào tạo đã làm cho phụ huynh và học sinh không mấy mặn mà với các ngành sư phạm.
 

Hỗ trợ học ngành sư phạm

Luật Giáo dục 2019 vừa công bố quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Tuy nhiên, người được hỗ trợ sau 2 năm tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục, hoặc công tác không đủ thời gian quy định, thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.

 
Bài, ảnh: DUY HÙNG
 

.