Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

11:07, 02/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nội dung mấu chốt của Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Đây cũng là chủ trương mở, giúp cải thiện chất lượng sách giáo khoa (SGK) như các quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng.

TIN LIÊN QUAN

Phù hợp với xu thế chung

Theo Luật Giáo dục (sửa đổi), chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) quy định yêu cầu về phẩm chất, năng lực của học sinh cần đạt sau mỗi cấp học; nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi cả nước, quy định phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp, mỗi cấp học của GDPT. Chương trình thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục.

 Học sinh mong muốn, chương trình giáo dục phổ thông và thay sách giáo khoa phải theo hướng giảm áp lực trong học tập.
Học sinh mong muốn, chương trình giáo dục phổ thông và thay sách giáo khoa phải theo hướng giảm áp lực trong học tập.
Luật cũng quy định, mỗi môn học có một hoặc một số SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn, trước khi phát hành phải được thẩm định. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học. UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Nhiều giáo viên cho rằng, lợi ích của chủ trương "một chương trình nhiều bộ SGK" là các trường sẽ có nhiều bộ sách để lựa chọn, phù hợp với điều kiện thực tế của từng nhà trường, năng lực của học sinh từng vùng miền. Vì vậy, các trường cần chủ động lựa chọn bộ sách phù hợp với năng lực và đặc thù của địa phương để áp dụng trong việc giảng dạy.

Hướng đến mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện

Em Nguyễn Thị Cẩm Thạch, tân thủ khoa Trường THPT chuyên Lê Khiết thổ lộ: “Em mong muốn chương trình GDPT và sách giáo khoa mới sẽ phù hợp hơn và theo hướng giảm tải. Bởi chúng em muốn cân đối giữa việc học và rèn luyện để trở thành những công dân phát triển toàn diện, hội tụ đầy đủ các phẩm chất “đức - trí- thể - mỹ”.

Nhằm đón đầu những đổi mới trong GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình GDPT mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cùng ngành giáo dục chuẩn bị các điều kiện về vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên... để triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới đúng lộ trình quy định.
 
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới phải có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, tránh dàn trải, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị; chú trọng lồng ghép các chương trình, đề án có liên quan để sử dụng tiết kiệm các nguồn lực và hiệu quả hơn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sự phối hợp trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả trong triển khai thực hiện...

Nội dung Chương trình GDPT xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm của các chương trình GDPT đã có của Việt Nam và tiếp thu thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục và kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, những tiến bộ của thời đại khoa học - công nghệ và xã hội.

Năm học 2020 - 2021, Chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu thực hiện đối với lớp 1 và cuốn chiếu ở các năm sau. Đây là khung chương trình chuẩn để xây dựng SGK. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ chính thức áp dụng phương thức “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Nghĩa là, từ khung chương trình này có thể có nhiều bộ sách để chống phụ thuộc và độc quyền, nhằm mục tiêu phát triển GD&ĐT một cách toàn diện.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 

.