Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa

10:05, 29/05/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm đổi mới giáo dục trong thời gian đến. Còn đối với sách giáo khoa (SGK) chỉ là nguồn tài liệu tham khảo, hỗ trợ để thực hiện chương trình. Điều này đặt ra cho các nhà quản lý giáo dục cần nhiều bộ SGK để có sự lựa chọn cho phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh của từng cơ sở giáo dục.
Tự chủ về chất lượng
 
SGK luôn giữ vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục. Có một thời tất cả những vấn đề trong SGK bắt buộc phải thực hiện và không được sửa đổi đã dẫn đến sự bị động, thủ tiêu tính sáng tạo khi thực hiện chương trình giáo dục chung.
 
Tại Hội nghị Đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách, thảo luận Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 4.4.2019 vừa qua, quy định “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa” được nhiều đại biểu quan tâm. Họ lo ngại nhiều bộ SGK sẽ gây khó khăn khi thi cử, nhưng cũng có người cho rằng đây là xu thế quốc tế.

 

Trong một giờ học tại Trường chuyên Lê Khiết
Trong một giờ học tại Trường chuyên Lê Khiết
Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiều bộ SGK cho một chương trình là giao quyền tự chủ về phát triển chất lượng giáo dục cho mỗi đơn vị. Hiện tại, mỗi nhà trường đều có những mục tiêu và sứ mệnh phát triển phù hợp với tiềm lực, vì vậy họ có quyền lựa chọn những bộ sách giáo khoa phù hợp với mục tiêu ấy.
 
Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Khiết Vũ Thị Liên Hương cho rằng: “SGK cần giao cho các cơ sở được lựa chọn. Hơn ai hết, chính nhà quản lý và giáo viên là người lựa chọn cho đơn vị mình một bộ SGK phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh của đơn vị mình. Dĩ nhiên, việc chọn bộ SGK phải nằm trong danh mục được Bộ GD&ĐT quy định”.
 
Cô giáo Đặng Thị Quý Ân, Trường Tiểu học Đức Chánh (Mộ Đức) chia sẻ: "Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, chuyển từ nền giáo dục thiên về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh là một xu thế chung”.
 
Công bằng trong giáo dục
 
Nếu chúng ta chỉ sử dụng một bộ SGK cho tất cả các đối tượng học sinh sẽ không công bằng với tất cả học sinh ở các vùng miền. Dung lượng này sẽ dễ dàng lĩnh hội đối với học sinh vùng này, đơn vị này nhưng là khó khăn với học sinh vùng khác, đơn vị khác. Điều này đã tạo ra sự khó khăn trong lĩnh hội của học sinh, cũng như sự truyền tải kiến thức đối với người dạy và gây mất công bằng trong nhiều năm qua.
 
Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn Nguyễn Thái An, bên cạnh bộ SGK chuẩn do một đầu mối chủ biên, thì cần có bộ sách tham thảo để nâng cao trình độ học sinh và điều này cũng phù hợp với thu xế của quốc tế. Còn Phó trưởng Phòng GD&ĐT Nghĩa Hành Vũ Thị Kim Loan lấy ví dụ bộ sách chương trình giáo dục công nghệ được triển khai gần đây đang được đội ngũ giáo viên tiểu học đánh giá rất cao. 
 
Đây là bộ sách có nhiều đổi mới so với bộ SGK truyền thống trước đây. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT chỉ nên giới hạn từ 2 - 3 bộ SGK nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc ra đề thi chung ở các kỳ thi có quy mô. Hơn nữa, việc có nhiều bộ SGK sẽ giải quyết tình trạng độc quyền SGK mà dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, xây dựng chương trình, SGK sẽ bám theo Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo” và Nghị quyết số 88 của Quốc hội về “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông”. Để đảm bảo tính linh hoạt giữa nội dung cơ bản và kiến thức, văn hóa ở vùng miền, trong chương trình mới sẽ có thiết kế 80% khối lượng là khung chương trình thống nhất trong toàn quốc, 20% là chương trình địa phương. Tuy nhiên, các địa phương muốn viết chương trình phải trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. 
 
Bài, ảnh: Tr.Phương
 

.