Trộm vặt trong trường học

10:01, 21/01/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Con tôi học lớp 1, cháu đã mất không biết bao nhiêu dụng cụ học tập. Mới bước qua học kỳ hai 3 ngày, cháu đã mất 2 cây bút kim tinh. Chuyện này gần như là “chuyện thường ngày ở huyện”. 
Liên tục mất đồ dùng học tập
 
Tôi có con đang chập chững bước vào lớp 1, cùng với nỗi lo áp lực học tập lại phải than trời vì cháu liên tục bị mất dụng cụ học tập. Tuần đầu tiên đến lớp về kiểm tra dụng cụ học tập của con, hôm thì mất bút chì, hôm thì thước kẻ, cục tẩy, hộp màu, giấy màu… Vài tuần sau, nhiều hôm cháu mất cả sách giáo khoa, vở học. 
 
Bước qua học kỳ 2, cháu chuyển sang viết bút mực mới 3 ngày đã mất 2 cây bút kim tinh đắt tiền. Bạn cùng lớp của cháu cũng liên tục mất các dụng cụ học tập, thậm chí mất cả đồng hồ thông minh SmartWatch .
 
Đồ dùng học tập.
Tình trạng mất dụng cụ học tập phổ biến trong trường học.
 
Đến cô giáo cũng lắc đầu ngán ngẩm. Cô giáo đã lục tung khắp lớp học, kiểm tra cặp từng học sinh vẫn không tìm ra người trộm vặt. 
 
Ông N, ở tổ 24 phường Trần Phú cũng bức xúc vì cháu ông đang học lớp 6 liên tục mất bút, mất máy tính cầm tay. Ông N kể: Bố mẹ cháu ly hôn, ông N nhận nuôi 1 cháu. Vợ chồng già tiện tặn lắm mới sắm được cho cháu các dụng cụ học tập, nhưng không cánh mà bay liên tục. 
 
“Cứ vài hôm cháu lại mang một cục tức về cho mình. Cháu bảo đã cất cẩn thận vào hộp bút cho vào cặp trước khi ra chơi, nhưng vẫn cứ mất. Ở trường học mà mất đồ thế thì nhà trường cần xem trọng giáo dục cho học sinh các bài học về đạo đức, lòng trung thực” -  ông N thổ lộ. 
 
Phụ huynh có nên dung túng?
 
Chuyện bị mất dụng cụ học tập xảy ra thường xuyên ở nhiều trường học. Đồ dùng học tập tuy giá trị nhỏ, nhưng xảy ra liên tục, phụ huynh phải mua sắm lại nhiều lần thành ra không nhỏ. Tuy là trộm cắp vặt nhưng để lại hệ lụy không hề nhỏ về đạo đức, nhân cách của trẻ khi trưởng thành. 
 
Theo thầy Nguyễn Tấn Huy, giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lê Khiết, nhiều trẻ được bố mẹ nuông chiều, trẻ thích gì được nấy, muốn gì là có nấy. Khi đi học, thấy những dụng cụ học tập của các bạn có mà mình không có nên “chiếm” lấy làm của mình. Trẻ chưa ý thức được hành vi xấu của mình. 
 
Học sinh rất cần được giáo dục kỹ năng sống.
Học sinh rất  cần được giáo dục kỹ năng sống.
 
Cũng có thể do tính hiếu kì, ham của lạ, hay quên mà trẻ mượn của bạn rồi quên trả lại. Cũng có thể trẻ bỏ quên trong hộc bàn, rơi dưới đất, sợ mất cầm theo khi ra chơi rồi đánh rơi ngoài sân trường. 
 
Trường hợp mất những dụng cụ đắt tiền không loại trừ người ngoài vào ăn cắp. Có nơi, các trẻ hư ở gần trường, các em lớp lớn khi đi trực trường lợi dụng lúc học sinh ra chơi hoặc tham gia hoạt động tập thể ngoài trời lẻn vào lấy.
 
Không ít phụ huynh vì công chuyện làm ăn bận bịu suốt ngày nên “khoán trắng” cho nhà trường, ít quan tâm đến con, thậm chí không biết cây bút ấy, đồ chơi ấy con lấy đâu ra?
 
Khi phát hiện con lấy đồ của bạn, vì sĩ diện nên không cho con trả lại, xin lỗi bạn, việc này vô tình đồng lõa với hành vi xấu của con. Phụ huynh thương con, cưng chiều con, không trách phạt con nghiêm khắc đủ sức răn đe tái phạm. Nếu như thế, lâu dần sẽ hình thành ở con một thói xấu tai họa. 
 
“Phát hiện con mình lấy đồ bạn, phụ huynh nên giảng giải thật cặn kẽ về mức độ xấu xa của hành vi ấy, đưa con đến trường gặp bạn, trả lại, yêu cầu con xin lỗi bạn, có hình thức trách phạt con” - thầy Huy chia sẻ.
 
Về phía nhà trường, thầy cô giáo cần chú trọng đến giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nêu các gương tốt, lên án hình vi xấu bằng hình thức các câu chuyện kể, luôn nhắc nhở học sinh cẩn thận, giữ gìn dụng cụ học tập. Khi xảy ra tình trạng mất phải điều tra tìm hiểu kĩ lưỡng, có biện pháp để không tái diễn, tránh xem nhẹ cho qua. 
 
Bài, ảnh: C.P
 
 

.