Mệt mỏi vì học thêm ca 3

02:01, 12/01/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Ra khỏi nhà đến trường từ lúc 6  giờ sáng, mãi đến 21 giờ tối, nhiều em học sinh mới rời nhà cô giáo về nhà. Không ít học sinh tiểu học mệt mỏi, bơ phờ vì học thêm ca 3.
“Các bạn học, sao em không học?”
 
Đều đặn các tối từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần, tại nhà một cô giáo trên đường Nguyễn Trãi, TP.Quảng Ngãi, đồng hồ đã điểm đúng 20 giờ 30 phút, nhưng hàng chục phụ huynh đậu xe ngoài cổng vẫn dõi mắt trông vào lớp học. 
 
Gặp chị D, ở phường Nguyễn Nghiêm, TP.Quảng Ngãi có con đang học lớp 2 kể: Lớp con có hơn 40 học sinh, chỉ mỗi mình con chị là sau giờ học bán trú ở trường không đến nhà cô học thêm ban đêm. Ở nhà, chị D kèm cho con học vào ban đêm thấy con tiếp thu bài khá tốt, vậy mà cô giáo cứ than phiền con mình học yếu hơn các bạn. 
 
Vài ngày sau con chị D về nhà nói: “Cô bảo tất cả các bạn đều học thêm nhà cô sao em không học? Ở nhà ba mẹ dạy không thể nào giỏi được”. Lo con không được học sinh giỏi nên chị D buộc phải cho con đi học thêm.
 
“Cứ 16 giờ 30 phút, tôi đón con ở trường rồi chở đi ăn vội bánh bèo, bánh xèo, bánh mì để chuẩn bị bước vào học ca 3. Ngày xưa mình học có 1 buổi vẫn giỏi đấy thôi. Giờ con học từ sáng đến tối, học đến “kiệt sức”, mặt mũi phờ phạc xót lắm!”. - chị D than vãn. 
 
 
 
Sau một ngày học bán trú, nhiều học sinh tiểu học lại tiếp tục đến nhà cô học thêm ca 3.
 
Gặp chị X, ở phường Trương Quang Trọng có con học lớp 1 tại một trường tiểu học được xem là trường điểm của thành phố. Chị X cho biết, con chị học lớp bán trú ở trường, lịch học bắt đầu từ 7 giờ sáng.
 
Buổi trưa ăn trưa ngủ tại trường, buổi chiều học tiếp đến 16 giờ 30 phút. Sau khi học chính khóa kết thúc, cô giáo gọi taxi đón về nhà nấu cho học sinh ăn rồi học đến 21 giờ phụ huynh đến đón. 
 
Hôm nào cô giáo cũng đóng dấu ngôi sao vào vở khen con học giỏi chị X vui lắm! Đến tuần thứ hai, về nhà mặt mũi con bơ phờ, mệt mỏi, tắm, gội đầu khuya rồi đi ngủ nên cháu thường bị cảm cúm. “Thấy con học cả ngày đến đêm, vợ chồng tôi xót xa lắm, nhưng cô giáo bảo chương trình học rất nặng, nếu không học lại lo con không được điểm giỏi” - chị X chia sẻ. 
 
Lợi bất cập hại
 
Học bán trú cả ngày ở trường, tối lại đến nhà giáo viên học thêm ca 3 đang là thực trạng chung của nhiều học sinh tiểu học tại các trường tiểu học ở trung tâm TP.Quảng Ngãi.  
 
Sau giờ tan trường, cô giáo thuê xe đón học sinh về nhà hoặc phụ huynh cho con ăn vội rồi tiếp tục chở con đến nhà cô giáo. Khi về nhà, các cháu chỉ kịp tắm rửa, ăn uống rồi đi ngủ để sáng dậy đúng giờ đến trường. 
 
 
Học sinh
Học sinh tiểu học là lứa tuổi vừa học vừa chơi.
 
Bản thân từng là nhà giáo, cô Thu Thủy, một giáo viên về hưu cho rằng, nhu cầu học thêm là nguyện vọng chính đáng, dạy thêm là việc làm thêm tạo nguồn thu nhập chính đáng cho giáo viên. Không ai có thể phủ nhận mặt tích cực của dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên nếu vì tiền mà giáo viên “gợi ý”, o ép để học sinh, phụ huynh dù không muốn vẫn phải đi học thêm là trái với đạo đức nhà giáo. 
 
Trẻ đã học bán trú ở trường thì không nhất thiết phải học thêm vào ban đêm. Nếu dạy thêm mong giáo viên chỉ dạy thêm những em học sinh trung bình, yếu. Và thời gian dạy thêm cũng không kéo dài quá lâu gây tâm lý mệt mỏi cho trẻ ở độ tuổi tiểu học. 
 
“Phụ huynh đừng vì áp lực thành tích, đừng vì tư tưởng “con nhà mình phải hơn con nhà người ta” mà ép con học quá nhiều, lợi bất cập hại”. Cha mẹ hãy dành thời gian để vui chơi với con sau một ngày học tập trên trường” - cô Thu Thủy bày tỏ.
 
Đồng quan điểm, theo một giảng viên dạy bộ môn tâm lý học, Trường ĐH Phạm Văn Đồng: Phụ huynh không nên vì ganh đua mà gây áp lực học tập cho con quá sớm đến nỗi trẻ không có thời gian vui chơi. 
 
Trẻ bậc tiểu học là lứa tuổi vừa học vừa chơi. Việc rèn luyện quá sớm có thể gây ra những tổn thương nhất định do não trẻ vì bị quá tải, thậm chí thui chột tư duy, khả năng sáng tạo của trẻ. Khi lớn lên tư duy của trẻ sẽ chậm lại. Đó là chưa kể không ít trẻ trẻ bị cận, stress dẫn trầm cảm, chán học.
 
Bài, ảnh: P.V
 
 

.