Trăn trở giáo dục miền núi (kỳ cuối)

04:12, 21/12/2018
.


Kỳ cuối: Bất cập mô hình trường bán trú


Để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngành giáo dục Quảng Ngãi đã triển khai thành lập mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và trường bán trú dân nuôi ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các mô hình trường học này gặp rất nhiều khó khăn, do chưa được đầu tư đồng bộ.

Trường PTDT nội trú, hay bán trú về tên gọi là khác nhau, nhưng tính chất đều là tổ chức nuôi học sinh ăn ở tại trường từ đầu tuần đến cuối tuần, với mục tiêu là giúp các em yên tâm học tập, để tạo nguồn nhân lực cho các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Mô hình "nửa vời"

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 trường PTDT THCS Nội trú và 1 Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Bên cạnh đó, ngành giáo dục tỉnh còn thành lập 22 trường PTDT bán trú, trong đó còn 8 trường chưa đi vào hoạt động, do chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, trong quá trình thành lập và đưa vào sử dụng, mô hình trường học này đã phát sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác dạy và học.

 

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Khâm (Ba Tơ) trong giờ học.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Ba Khâm (Ba Tơ) trong giờ học.


Tuy với tên gọi là trường bán trú, nhưng thực chất mọi hoạt động ở đây đều giống như trường nội trú. Bởi lẽ, nếu hoc bán trú thì học sinh chỉ ở lại buổi trưa, nhưng đằng này học sinh ở trường bán trú trên địa bàn các huyện miền núi thì ăn ngày 3 bữa và ở lại đến cuối tuần mới về nhà. Để phục vụ các em, buổi tối, nhà trường phải phân công giáo viên theo dõi, chăm sóc.

Đồng thời, cũng do khác tên gọi nên các chế độ, chính sách đối với học sinh trường PTDT bán trú và trường PTDT Nội trú cũng khác nhau, trong khi phần lớn các em đều có chung một hoàn cảnh. Nếu học sinh học nội trú thì được hưởng 70% trợ cấp hằng tháng so với hệ số lương cơ bản.

Còn với các em học bán trú thì chỉ được hưởng 40% trợ cấp theo hệ số lương cơ bản và 15kg gạo. Bất cập này không chỉ xảy ra với học sinh, mà còn cả với giáo viên. Đó là, giáo viên công tác tại các trường bán trú không được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước như giáo viên tại các trường dân tộc nội trú, mặc dù họ vẫn thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ như một giáo viên dạy nội trú, đồng thời công tác ở xa trung tâm huyện, còn giáo viên nội trú thì dạy ở trung tâm huyện.

Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Ba Trang Nguyễn Minh Hải cho biết:  Trường có 354 học sinh, trong đó có 111 em ở lại trường. Từ nhiều năm nay, trường dạy theo mô hình trường bán trú, nhưng phải nuôi các em như mô hình trường học nội trú. Nhờ vậy, chất lượng học tập của các em ngày càng được nâng lên. Dù chế độ đãi ngộ không bằng trường nội trú, nhưng hội đồng nhà trường đã động viên thầy cô giáo cố gắng chăm sóc chu đáo để các em an tâm học tập”.

“Trong những năm qua, ngành đã tích cực cùng với các địa phương chăm lo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, nhằm đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên và nhà bán trú cho học sinh miền núi chưa được đầu tư quan tâm đúng mức, vì ngân sách mới ưu tiên đầu tư cho việc xây dựng trường lớp học. Thực tế này cũng làm ảnh hưởng đến đời sống, chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh. Thời gian đến, ngành sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu về nhà công vụ cho giáo viên và nhà bán trú cho học sinh”.


Giám đốc Sở GD&ĐT ĐỖ VĂN PHU


Nhiều học sinh phải ở tạm bợ

Triển khai thực hiện mô hình trường PTDT bán trú và bán trú dân nuôi là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi. Thực tế, từ khi triển khai mô hình này, đã góp phần tăng tỷ lệ học sinh ra lớp; tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” ở các bậc học đã giảm, các em được học tập, vui chơi để phát triển năng lực toàn diện... Đây cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là do kinh phí đầu tư có hạn, nên việc đầu tư cơ sở vật chất không đồng bộ, nhất là nhà ở bán trú cho học sinh, dẫn đến còn nhiều học sinh học bán trú nhưng phải ở trong một số phòng tạm bợ, không đảm bảo an toàn.

Hiện nay, nhu cầu nhà ở bán trú của học sinh toàn tỉnh là rất lớn, nhưng các cơ sở giáo dục trong tỉnh chưa thể đáp ứng. Tại huyện Sơn Tây, hiện có 5.800 học sinh, trong đó có 2.300 học sinh thuộc diện được hỗ trợ học tập theo Nghị định 116/CP. Tức là, các em được hưởng các chính sách của mô hình học bán trú, nhưng địa phương chỉ mới xây dựng được 28 phòng ở cho học sinh. Do đó, để theo học con chữ, phụ huynh và học sinh phải làm nhà ở tạm xung quanh trường, hoặc ở nhờ nhà dân để  đi học.

Huyện Tây Trà, là địa phương có số trường bán trú nhiều nhất trong tỉnh. Hiện tại, huyện có 7 trường bán trú và đang tiếp tục thành lập thêm 3 Trường PTDTBT tiểu học. Số phòng ở cho học sinh tại các trường này tuy đảm bảo, nhưng vẫn còn nhiều phòng ở xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là vào mùa mưa, bão. Các công trình phụ trợ, như nước sinh hoạt, nhà vệ sinh... thì chưa được đầu tư kiên cố.

Bên cạnh một số địa phương xây dựng được nhà bán trú kiên cố cho học sinh, thì vẫn còn nhiều địa phương chưa có nguồn kinh phí để xây dựng.
Bên cạnh một số địa phương xây dựng được nhà bán trú kiên cố cho học sinh, thì vẫn còn nhiều địa phương chưa có nguồn kinh phí để xây dựng.


Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà Nguyễn Hữu Duy cho biết: Thành lập trường PTDTBT là chủ trương đúng đắn của tỉnh và được huyện đưa vào lộ trình quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020. Đến nay, huyện đã triển khai đầu tư đảm bảo kế hoạch đã đề ra. Kinh phí đầu tư các công trình này, ngoài việc nguồn ngân sách phân bổ, huyện còn kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa, hoặc vận động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt cần thiết cho học sinh...

Cũng theo ông Duy, đối với một số trường chưa đủ điều kiện thành lập trường bán trú huyện động viên tổ chức theo mô hình bán trú dân nuôi. Buổi sáng các em mang cơm theo để trưa ở lại trường ăn và nghỉ trưa và buổi chiều học tiếp. Tuy điều kiện ăn ở còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng việc triển khai các mô hình trường lớp học mới này đã phần nào hạn chế được tình trạng học sinh đi học giã gạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Qua một thời gian triển khai cho thấy, đối với các trường được thành lập theo mô hình bán trú thì có nhiều thuận lợi, vì học sinh được hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước, được ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Còn các trường thực hiện mô hình bán trú dân nuôi thì gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, Trường TH&THCS Ba Khâm (Ba Tơ) chưa thực hiện mô hình bán trú. Tuy nhiên, học sinh ở các thôn Hố Sâu, Nước Giáp cách xa trường từ 8-10km, địa hình hiểm trở và là thôn chưa có điện của xã, nên học sinh đi lại và học tập gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, trường phải bố trí 2 phòng công vụ dành cho giáo viên để cho 45 em học sinh ở tạm. Hằng tuần, ban giám hiệu đều phân công giáo viên theo dõi, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ và quá trình sinh hoạt của các em.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Tơ Huỳnh Giang Nam chia sẻ: Khi thực hiện mô hình trường bán trú, huyện gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư chỗ ở cho học sinh. Với các trường có tổ chức theo mô hình bán trú dân nuôi thì chưa được đầu tư. Các chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú dân nuôi cũng không có.

Để khắc phục khó khăn trên, một số trường đã vận động phụ huynh làm nhà ở tạm, hoặc mượn nhà dân cho con em ở nhờ để các em an tâm học tập. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, tỉnh và ngành giáo dục cần đầu tư kinh phí để xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất cho các trường bán trú; đồng thời có chế độ hỗ trợ cho học sinh, giáo viên như mô hình trường nội trú. Có như thế mới nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.