Dạy trẻ khuyết tật là niềm hạnh phúc

09:11, 26/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đoàn Thị Nhật Phương (1990), công tác tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn là giáo viên trẻ tuổi nhất trong số 48 giáo viên tiêu biểu dạy trẻ khuyết tật trên cả nước nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT, được Phó Chủ tịch nước đón tiếp trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2018.

TIN LIÊN QUAN

Dạy trẻ khuyết tật không chỉ ngày một, ngày hai, mà phải cần kiên nhẫn và cả tình yêu, sự cảm thông với những đứa trẻ không may mắn. Và Phương xem đó là một niềm hạnh phúc, là cơ duyên lớn nhất của cuộc đời mình.


Cơ duyên với trẻ khuyết tật


Sau khi tốt nghiệp Trường THPT chuyên Lê Khiết, Phương thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Ra trường, sau thời gian làm gia sư, Phương nộp hồ sơ xin việc vào Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (trung tâm). Được nhận vào công tác, cô giáo trẻ vừa mừng, vừa lo.

Mừng bởi vì mình đã có việc làm, nhưng nỗi lo lớn hơn niềm vui, bởi người nhà từng khuyên: “Dạy trẻ khuyết tật khó lắm đấy, công việc rất vất vả, không hề dễ dàng chút nào”. Ngay cả bản thân Phương cũng lo lắng, vì chưa biết mình có đảm nhận và hoàn thành được công việc. Sau đó, Phương tham gia thêm các lớp học, tập huấn, để nâng cao kiến thức về chuyên ngành giáo dục đặc biệt.

 

Cô giáo Đoàn Thị Nhật Phương dạy trẻ khuyết tật học ghép các chữ cái.
Dạy trẻ khuyết tật là niềm hạnh phúc của cô giáo trẻ Đoàn Thị Nhật Phương.


Dù vậy, Phương vẫn không thể hình dung hết những khó khăn khi dạy trẻ khuyết tật. Thời gian đầu, cũng như những giáo viên khác, Phương gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp xúc, dạy dỗ trẻ. Với lớp khó khăn về học do Phương đảm nhận, có nhiều trẻ bị các dạng tật khác nhau như tự kỷ, chậm phát triển, bại não, down... Mỗi dạng tật là một đặc điểm, hành vi, tính cách khác nhau.

Có những trẻ không kiểm soát được hành vi của mình. Đối với mỗi trẻ, Phương phải chú ý quan sát để nắm bắt tâm tính, từ đó linh hoạt tiếp xúc với trẻ. Kể cả những ký hiệu ngôn ngữ khiếm thính, trước đây Phương chỉ học qua sách vở, nhưng đến lúc tiếp xúc thực tế mới thấy khó khăn hơn nhiều. Vì thế, ngoài học từ sách vở, học hỏi kinh nghiệm của giáo viên khác, thì Phương còn học từ chính trẻ khiếm thính.


“Con chỉ muốn đến lớp học với cô giáo”


Giáo viên dạy trẻ khuyết tật phải đảm nhận lên lớp từ thứ 2 đến chiều thứ 6. Còn những buổi trưa ở lại để theo dõi giờ ăn, giấc ngủ của trẻ. Thế nhưng, chỉ cần chiều thứ 6 phụ huynh đón về, đến sáng thứ 7, điện thoại cô giáo Phương đã nhiều lần reo lên. Những đứa trẻ khuyết tật gọi điện thoại chỉ để muốn được đến lớp học với cô Phương.

“Có trẻ ở nhà không tiếp xúc với ai, không kiểm soát hành vi của mình. Có khi bị người nhà xích lại để không phá phách, nghịch ngợm hàng xóm. Kể cả khi trẻ muốn chơi với bạn, nhưng không biết cách thể hiện lại chạy đến giành hoặc đánh bạn. Những lúc như thế, giáo viên phải kịp thời can thiệp và điều chỉnh hành vi của trẻ. Qua 1-2 tháng vào trung tâm, trẻ đã có những chuyển biến tích cực, thay đổi hành vi và biết những kỹ năng tự phục vụ bản thân”, Phương bộc bạch. Đối với giáo dục trẻ khuyết tật, giáo viên trang bị kỹ năng tự phục vụ cho trẻ, dạy trẻ kỹ năng sống kể cả việc giao tiếp, chơi với bạn bè như thế nào. Không những thế, sau khi được trang bị các kỹ năng, trẻ còn được học nghề để có thể tự tạo công việc cho mình.

Hành trình đến với giáo dục đặc biệt của cô giáo Đoàn Thị Nhật Phương trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Từ những giọt nước mắt lo lắng và áp lực trong nuôi dạy trẻ khuyết tật, đến nay Phương xem dạy trẻ khuyết tật là niềm hạnh phúc.

Trên địa bàn tỉnh, môi trường giáo dục dành cho trẻ khuyết tật ngày càng rộng mở. Đó cũng là niềm vui của những người đã nặng duyên với trẻ khuyết tật, những người sẵn sàng bồi đắp tình yêu thương cho những vầng trăng khuyết. Còn với Đoàn Thị Nhật Phương, mỗi ngày đến lớp nhìn những khuôn mặt ngây thơ, cảm nhận sự tiến bộ của các em là niềm vui, động lực lớn lao để cô giáo 9X này thêm niềm tin vào con đường đã chọn.

Kỷ niệm đẹp trong nghề


Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Tập đoàn Thiên Long tổ chức để tôn vinh, tuyên dương những người thầy, người cô đang dạy trẻ khuyết tật. Trong số 63 tỉnh, thành cả nước, có 43 giáo viên tiêu biểu được tôn vinh tại chương trình. Phương chia sẻ: “Tham gia chương trình là điều may mắn, niềm vui lớn lao với một người trẻ như tôi. Tôi được tham gia nhiều hoạt động bổ ích, gặp gỡ giao lưu, học hỏi các thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm dạy trẻ khuyết tật”.


Bài, ảnh: BẢO HÒA



 


.