Chuyện ở ngôi trường "hai trong một"

02:11, 20/11/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Đó là Trường Tiểu học Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi. Dù không phải là trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, thế nhưng, bằng sự tận tâm, tận tụy của mình, các thầy cô đã nỗ lực giúp các em “vượt lên chính mình” để phát triển, hoàn thiện bản thân.

TIN LIÊN QUAN

Trăm bề gian khó…
 
Một tiết học toán ở lớp, em H.M.T, lớp 5D tỏ ra bất hợp tác với cô giáo. Sau “năm lần, bảy lượt” xuống tận bàn học, tìm mọi cách gần gũi, dỗ dành, với sự từ tốn của cô giáo, T mới ngoan ngoãn trả lời từng câu hỏi của cô. 
 
T là một học sinh bị bệnh tự kỷ và chậm phát triển trí não. 5 năm theo học ở trường là cả một hành trình vất vả mà các thầy cô đồng hành cùng em. Trong giờ học, lúc thì em ngồi yên “như cục bột”, lúc thì la hét chí chóe trong lớp, ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn xung quanh.
 
“Vừa dạy dỗ cho những các em học sinh trong lớp, vừa giảng dạy cho những đứa trẻ khuyết tật hòa nhập… “một tay hai việc” đã trở nên quen thuộc đối với các thầy cô giáo Trường Tiểu học Nghĩa Chánh, khi mà ngôi trường này có số lượng học sinh khuyết tật nằm trong “top” đầu của thành phố”- Phó Hiệu trưởng nhà trường Lê Thị Minh Hạnh chia sẻ.
 
Thái độ của T là còn khá “an toàn” so với các em học sinh khiếm khuyết khác trong trường. Việc giúp các em trong hành trình tìm đến tri thức, hoà nhập… không có khó khăn nào tả hết, mà chỉ có tình yêu thương và phấn đấu nỗ lực vì mục tiêu của tập thể trường mới giúp các thầy cô vượt qua.
 
Cách đây một năm, em Đ.N.T.Đ, hiện nay đang học lớp 2A là một học sinh khuyết tật, cá biệt trong lớp 1A. Trong giờ học, Đ quậy phá bất cứ lúc nào em muốn. Đổ nước vào đồ dùng học tập của bạn. Đánh bạn. Cô giáo nói, em chẳng quan tâm. Thích thì em chạy ào ra khỏi lớp. 
 
Có lần, cả lớp đang nghỉ trưa trong nhà bán trú, em bỏ đi lúc nào không ai biết. Nhà trường phải nhờ đến sự can thiệp của công an địa phương. Sau đó, mọi người mới phát hiện em nằm ngủ ngoài bụi rậm gần trường.
 
Những biểu hiện của Đ là thấy rõ, nhưng gia đình lại che giấu với nhà trường việc em là đứa trẻ khuyết tật. Sau nhiều lần giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà khuyên răn, cùng tìm hướng giúp em hoà nhập thì gia đình mới chịu thừa nhận. 
 
Một “kế sách” được đưa ra, đó là vận động gia đình thay phiên lẫn nhau, một người đi làm, người còn lại sắp xếp thời gian chỉ để canh chừng Đ ở cổng trường, kẻo em lại bỏ đi tiếp. 
 
Dần dà, với sự giúp đỡ tích cực của cô giáo, bạn bè, Đ đi vào guồng quay của lớp. Đến nay, sau hơn một năm, em đã có những tiến triển vượt bậc và dần biết sẻ chia với bạn bè trong lớp.
 
… tạo lối em đi
 
Năm học này, toàn TP.Quảng Ngãi có gần 70 em học sinh khuyết tật, hoà nhập học tập ở các trường. Riêng Trường Tiểu học Nghĩa Chánh có gần 30 em, trong đó có 10 em là có giấy xác nhận của các cấp, ngành được hưởng các chế độ trợ cấp theo qui định.
 
Với đặc thù là ngôi trường nằm ở khu vực có đông người lao động tứ phương đến tạm trú, trên địa bàn phường Nghĩa Chánh còn có Trung tâm công tác xã hội tỉnh, vì thế, hằng năm trường đón nhận nhiều trẻ em khuyết tật đến học, hòa nhập cộng đồng.
 
Ngay từ khi vào trường, các thầy cô giáo luôn nghiên cứu kỹ để tìm hiểu những điểm mạnh, khó khăn, nhu cầu trong học tập của từng em, sau đó mới có kế hoạch giáo dục phù hợp.
 
Hằng tháng, trường đều mời các chuyên viên có chuyên môn đến phối hợp cùng để hướng dẫn cho các em trong học tập, sinh hoạt. Biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là đồng hành, khuyến khích để các em phát triển được năng khiếu và sở thích của bản thân không chỉ trong học tập mà trong tất cả các hoạt động khác của trường.
 
Đồng hành cùng các em, khuyến khích, tạo điều kiện để các em phát huy năng lực của bản thân, đó là cách tốt nhất để giúp các em vượt qua những khó khăn, hòa nhập cùng bạn bè.
Đồng hành cùng các em, khuyến khích các em trong mọi hoạt động, đó là cách tốt nhất để giúp các em vượt qua những khó khăn, rào cản, hòa nhập cùng bạn bè.
 
Trường hợp của em N. B. N, lớp 2E, chuyển từ một trường tiểu học ở huyện Nghĩa Hành từ năm học 2018- 2019 là một điển hình. Ban đầu, em không chịu đi học vì môi trường mới, còn nhiều bỡ ngỡ. Thế nhưng, phát hiện em có năng khiếu vẽ, cô giáo đã tạo điều kiện để N tham gia và em được đánh giá cao trong các cuộc thi. Từ đó, việc đến trường trở thành niềm yêu thích của đứa trẻ này.
 
“Đáng mừng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh, nhiều em đã “vượt lên chính mình”. Có không ít em gặt nhiều thành tích cao trong học tập và các cuộc thi”, cô Cao Thị Thảo Trang- giáo viên của trường cho biết.
 
Em P.T.Đ học sinh lớp 5B là một điển hình khác để các em học sinh khiếm khuyết trong trường noi gương theo, để các giáo viên ở các lớp học có trẻ khuyết tật lấy đó làm động lực. Nếu như ở các lớp 1-2, các thầy cô phải khổ sở với Đ thì kể từ các lớp 3-4-5 lại thấy tự hào về em. 
 
Đ là đứa trẻ tăng động, khó khăn về ngôn ngữ nói nhưng càng lên các lớp trên, Đ là học sinh giỏi toàn diện. Trong các cuộc thi Olympic về Anh Văn, Toán học, năng khiếu… cấp thành phố, Đ luôn mang giải cao nhất về cho trường.
 
Khó khăn về ngôn ngữ. Khó khăn về phương pháp truyền đạt. Khó khăn về cơ sở vật chất thiết bị, khi mà đây không phải là ngôi trường chuyên biệt của trẻ khuyết tật. Vậy nên, làm thế nào để tạo sự hứng thú cho trẻ đối với việc học, để các em không cảm thấy thiệt thòi so với các bạn khác trong lớp? Ðó luôn là điều mà mỗi giáo viên luôn nung nấu, trăn trở. 
 
“Trong hành trình giúp đỡ các em, chúng tôi mong muốn phụ huynh phải biết chấp nhận những khiếm khuyết của con trẻ để cùng nhà trường có kế hoạch hỗ trợ, dạy học phù hợp cho các em”, cô Lê Thị Minh Hạnh nhấn mạnh.
 
Gặp gỡ, tiếp xúc với các thầy cô của trường, mới thấy công việc của họ thật lớn lao. Mỗi một giáo viên đứng lớp ở ngôi trường này là cả một câu chuyện dài cảm động mà bao trùm lên cả là sự cố gắng, tận tụy trong hành trình giúp các em đến với tri thức, giúp các em khuyết tật hoàn thiện bản thân. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

.