Thiết kế lại sách giáo khoa để tránh lãng phí

08:10, 11/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước tình trạng học sinh sử dụng sách giáo khoa (SGK), sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông gây lãng phí, không tái sử dụng được sau mỗi năm học, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh không được viết, vẽ vào sách. Đây chỉ là biện pháp “chữa cháy”, còn về lâu dài, cần phải thiết kế lại SGK để tránh tình trạng sử dụng lãng phí như thời gian qua.

TIN LIÊN QUAN


Hiện nay, hầu hết SGK sử dụng trong các trường phổ thông đều yêu cầu học sinh làm bài tập trực tiếp vào sách. Điển hình như bộ SGK lớp 6 của NXB Giáo dục, có 7/12 cuốn in bài tập để học sinh điền đáp án. Hay bộ SGK lớp 1 cũng có đến 6/8 cuốn in bài tập, đặc biệt là cuốn Toán lớp 1 còn yêu cầu học sinh tô màu vào sách...

Nhiều giáo viên cho rằng, nếu như không làm trực tiếp vào SGK, thì học sinh sẽ mất nhiều thời gian để chép đề bài vào vở, không thể tiếp thu hết nội dung bài học trên lớp. Giáo viên cũng không đủ thời gian để truyền tải kiến thức cho học sinh...

 

Học sinh Trường Tiểu học Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) trong giờ học. Ảnh: T.Phương
Học sinh Trường Tiểu học Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) trong giờ học. Ảnh: T.Phương


Với đặc thù SGK bậc tiểu học, khi có bài tập in sẵn trong sách, việc yêu cầu học sinh không làm bài, không viết vẽ vào sách sẽ phát sinh rất nhiều công đoạn không cần thiết trong quá trình dạy và học, khiến cả học sinh lẫn giáo viên đều "bị rối".

Bộ GD&ĐT yêu cầu học sinh không được viết vào SGK nhưng lại thiết kế sách môn Toán, tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 với yêu cầu học sinh tô màu, nối, điền vào chỗ trống... là bất hợp lý, nên cần phải thay đổi.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chánh Lộ Nguyễn Thị Thắng cho rằng: Nếu Bộ GD&ĐT không cho học sinh viết, vẽ lên SGK, thì cần thiết kế lại sách cho phù hợp. Nhiều giáo viên và phụ huynh có con học tiểu học cũng cho rằng, cần thiết kế lại SGK, điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp với quy định không viết, vẽ vào sách, không nên chỉ buộc thay đổi từ phía học sinh.

Mục đích tái sử dụng SGK, tránh gây lãng phí là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần phải có những điều chỉnh phù hợp hơn. Hơn nữa, sách là do các bậc phụ huynh mua, chứ không phải do nhà trường cho mượn. Vì vậy, sách thuộc sở hữu của học sinh, nên cần khuyến khích dạy trẻ giữ gìn, bảo quản sách, không thể yêu cầu các em không được viết, vẽ vào SGK.

Theo các nhà quản lý giáo dục và giáo viên trực tiếp giảng dạy, Chỉ thị của Bộ GD&ĐT mới chỉ giải quyết phần ngọn trước bức xúc của dư luận. Việc chống lãng phí trong sử dụng SGK cần suy tính trên nhiều phương diện, tránh đưa ra những quyết sách vội vã, không giải quyết bản chất của vấn đề giữa sử dụng hiệu quả SGK và độc quyền trong xuất bản phát hành SGK.


TRỊNH PHƯƠNG

                                                                          

 


.