Con chữ yêu thương

04:10, 01/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một lớp học tình thương tại nhà văn hóa thôn An Kim của Hội Cựu giáo chức xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh). Đây là lớp học đặc biệt, bởi học sinh là trẻ khuyết tật, chậm phát triển. Điều mà các em nhận được sau mỗi giờ lên lớp chính là niềm vui và kỹ năng sống

Lớp học đặc biệt

Thấy có bóng người lạ, cả lớp nhốn nháo, cười chào, cùng ánh mắt tò mò. Vừa lúc đó, bé Nguyễn Hoài Linh (15 tuổi) cầm theo cuốn tập viết khoe với cô giáo về thành quả của mình. Sự mạnh dạn, hòa đồng của Linh góp phần khích lệ các bạn nhỏ khác trong lớp, xóa đi khoảng cách và sự tự ti bấy lâu nay.

Theo lời kể của các thầy, cô ở đây, Hoài Linh vốn là cô bé ham học, em rất vui khi được đến lớp học. Linh bị động kinh, chân tay ngoẹo ngọ, nói chuyện khó khăn, vậy mà trên gương mặt lúc nào cũng cười thật tươi.

  Cô giáo Nguyễn Thị Liên Minh tận tình hướng dẫn học trò Phạm Nhất Duy tập viết.
Cô giáo Nguyễn Thị Liên Minh tận tình hướng dẫn học trò Phạm Nhất Duy tập viết.


Trong lớp, có em Phạm Nhất Duy (6 tuổi) là học trò nhỏ tuổi nhất. Mỗi ngày đến lớp, Duy được mẹ chở đi, phía sau chở thêm chiếc ghế được đặt làm riêng cho em. Duy bị bại não, không kiểm soát được hành vi. Ấy vậy mà từ ngày đi học, được các cô dạy bảo, dỗ dành, cậu học trò ấy cũng dần ý thức được điều nên và không nên làm.

Dõi theo từng hành động nhỏ của học trò, cô Nguyễn Thị Liên Minh cho biết: Lúc đầu các em thường xuyên chạy nhảy, la hét, có em sợ hãi thu mình, đôi khi không chịu mở lời, không chịu tiếp xúc với thầy cô, bạn bè. Sau một thời gian học tập, các em trở nên ngoan ngoãn, lễ phép.

Chị Võ Thị Thư, mẹ của Nhất Duy, chia sẻ: Dù mới vào học được 1 tuần, nhưng cháu có sự thay đổi tích cực, biết chào hỏi ba mẹ, biết nói “dạ” khi người lớn gọi và bắt đầu nhận thức được hành động mình đang làm. Tôi vui lắm, tôi sẵn sàng nghỉ việc để có thời gian bên con và đưa con đến lớp như các bạn cùng trang lứa.
 

"Quan trọng nhất là phải có tình thương và lòng kiên nhẫn. Nếu không đến với học sinh khuyết tật bằng tình cảm chân thành, thì các em rất dễ chán nản".


Cô giáo NGUYỄN THỊ LIÊN MINH

Hết lòng vì học trò

Nhớ lại những ngày đầu mở lớp học, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tịnh Giang Phạm Thị Kim Tuyến cho biết: Các thầy, cô trong hội tuy về hưu, nhưng cảm thấy vẫn còn sức để giúp các em đang trong độ tuổi ăn học có thể đến trường, đặc biệt là những em bị thiểu năng trí tuệ, khuyết tật, sức khỏe yếu, nên không được đi học. Cảm thông trước những hoàn cảnh không may, lớp học tình thương chính thức ra đời. Cô mượn phòng của nhà văn hóa thôn An Kim để dạy cho các em vào các buổi sáng thứ hai-tư-sáu trong tuần.

Hướng mắt về phía các học trò, cô Tuyến nhớ lại: Để các em được đến lớp, các cô đã đi từng nhà vận động, hầu hết gia đình của các em làm nghề nông, đời sống gia đình khó khăn.

Mục tiêu chính của lớp học là dạy các em tự tin giao tiếp với bạn bè, người thân và xã hội; nhận biết, gọi tên và hiểu được những vật dụng, sự việc xảy ra xung quanh mình hằng ngày. Lớp học có 14 em, với nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó đa phần đều bị thiểu năng, động kinh.

Cô giáo Minh tâm sự: Tính cách của trẻ khuyết tật rất thất thường, vui đó rồi khóc đó, vì thế phải hiểu tâm lý từng em. Khó khăn lớn nhất là sự tiếp thu của các em bị hạn chế, nên các cô dạy kèm từng em theo từng bệnh tật, khả năng và vỗ về bằng tình thương để các em có hứng thú học. Quan trọng nhất là phải có tình thương và lòng kiên nhẫn. Nếu không đến với học sinh khuyết tật bằng tình cảm chân thành, thì các em rất dễ chán nản.

Dẫu biết rằng hoàn cảnh của các em đều rất đặc biệt, có em bữa học, bữa nghỉ, có em mới học đã quên, lúc khóc, lúc cười, hoặc ngồi học tiếp thu được rất ít... nhưng các thầy, cô giáo ở đây không nản lòng. Bởi hơn ai hết, họ hiểu được hoàn cảnh của từng em, khả năng tiếp thu của các em, vì thế, họ chỉ mong lớp học là nơi gắn kết các em, tạo cho các em những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống. Được nhìn thấy các em khôn lớn, đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người giáo già.


Bài, ảnh: TRUNG ÂN


 


.