Chuyện không nhỏ

02:09, 10/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm học mới đã bắt đầu. Các cấp chính quyền và cả xã hội luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để ngành giáo dục phát triển, thật sự là nơi ươm những mầm non cho tương lai của đất nước.

Tuy nhiên, trong các nhà trường hiện nay, có một vấn đề “nhỏ nhưng không nhỏ” đó là chuyện về nhà vệ sinh.

Có lẽ trong số chúng ta, gia đình nào cũng có con hoặc cháu, hoặc người thân đang là học sinh ở các cấp học. Và chắc chắn rằng, chúng ta thấu hiểu tình trạng nhiều em, nhất là các cháu tiểu học phải nhịn tiểu tiện, đại tiện, chỉ vì nhà vệ sinh của trường quá bẩn.

Câu chuyện này không phải chỉ có ở những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, mà ngay ở các huyện, thành phố, nơi trường học đã đạt chuẩn cũng có. Theo quy định, một nhà vệ sinh đạt chuẩn cần phải có rất nhiều điều kiện như: Phải có đủ số phòng vệ sinh cho cả nam và nữ; bồn cầu phải luôn sạch sẽ, không có mùi; sàn nhà vệ sinh và các đồ dùng khác phải luôn được lau chùi sạch sẽ; phải có xà phòng và khăn lau tay, hoặc máy sấy khô... Với những quy định này, liệu có trường học nào đạt được, nếu không muốn nói là quá xa so với  thực tế.

Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng, do lượng học sinh đi tiểu tiện cùng lúc quá đông, nên không tránh khỏi việc có mùi hôi. Nhiều trường đã đầu tư một nguồn kinh phí không nhỏ cho việc xây dựng nhà vệ sinh, thuê cả lao công trực... nhưng rồi “đâu lại vào đấy”, nhà vệ sinh vẫn không sạch.

Thiết nghĩ, vấn đề nhà vệ sinh tuy nhỏ, nhưng cần được quan tâm, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người (theo các chuyên gia y tế, nhà vệ sinh bẩn là “ổ chứa” của 189 loại vi khuẩn gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, tay chân miệng, tiêu chảy, viêm gan A…) và là biểu hiện của văn minh. Vì vậy, đổi mới giáo dục ngoài nội dung chuyên môn, quan trọng nhất là phải đưa nội dung giáo dục con người, dạy con trẻ về giữ gìn vệ sinh, yêu lao động vào trường học. Không tham gia vệ sinh, lao động sẽ dẫn đến việc học sinh không biết, không quý trọng thành quả của người lao động. Có đào tạo trí tuệ tốt cũng không thể đào tạo được con người toàn diện.

Có lẽ, quan điểm về chất lượng giáo dục cần phải thay đổi. Thay vì đầu tư quá nhiều tiền của vào việc viết sách, cải tiến chương trình vượt quá xa nhu cầu, năng lực thực tế của học sinh, thì nên dành sự quan tâm đáng kể cho cơ sở vật chất, cho những sinh hoạt tối thiểu như nhà vệ sinh trong trường học.

TRẦN PHƯƠNG
 


.